Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947 – 27-7-2017): Giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công với cách mạng:

Vẫn còn tồn động hàng ngàn hồ sơ công nhận người có công

Thứ Hai, 03/07/2017, 08:06
Chiến tranh đã đi qua, nhưng nhiều năm sau, hậu quả của chiến tranh vẫn hiển hiện hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống của những người lính. Đó là sự đau đớn do chất độc hóa học để lại trên cơ thể nhiều thế hệ, là ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí của người cựu chiến binh… Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người có công chưa được hưởng chế độ ưu đãi vì nhiều lý do.


Qua rà soát, có tới hàng nghìn hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng tồn đọng. Mặc dù thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cùng với các tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng tập trung xem xét, giải quyết tồn đọng nhưng kết quả còn rất hạn chế. Đặc biệt, qua mỗi đợt vận dụng để giải quyết thì xuất hiện tình trạng hồ sơ giả, lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước để trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, tạo bức xúc đối với người có công với cách mạng.

Trước tình hình đó, Bộ LĐ-TB&XH đã thí điểm triển khai việc xem xét, xác nhận người có công với cách mạng (liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) theo một quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ, phát huy đúng mức trách nhiệm của các cấp ngành. Từ thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố là Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng và Long An, công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đã được triển khai trên cả nước.

Quá trình thí điểm đã cho thấy một trong những nguyên nhân tồn đọng hồ sơ đề nghị công nhận người có công là do cán bộ giải quyết nắm bắt tình hình, theo dõi hồ sơ không chặt chẽ nên báo cáo số liệu hồ sơ tồn đọng không chính xác. Số hồ sơ chưa giải quyết lẽ ra phải được xem xét, giải quyết kịp thời nhưng lại xếp vào hồ sơ tồn đọng.

Công tác thăm hỏi, chăm sóc gia đình người có công với cách mạng luôn được các cấp, ngành quan tâm.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng bị chậm chạp là do hồ sơ tồn đọng lâu, nhiều trường hợp tư liệu và nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn. Quá trình thực tế tại cơ sở, chúng tôi thấy rằng, có nhiều trường hợp người có công với cách mạng phải rất vất vả để làm các xác nhận về quá trình chiến đấu, bị thương. Trong khi đó, có đơn vị đã giải thế, có trường hợp người tham gia chiến đấu sinh sống ở miền Bắc, chiến trường chiến đấu lại ở miền Nam, việc đi lại làm giấy tờ đáp ứng quy định là vô cùng vất vả.

Thế nên, không ít cựu chiến binh nản lòng, bỏ lửng việc đề nghị hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết tâm giải quyết hồ sơ tồn đọng, tránh để người có công phải chịu thiệt thòi. Tuy nhiên, các đơn vị trực thuộc và địa phương cùng Bộ LĐ-TB&XH sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới mong có thể đạt được mục tiêu đề ra là giải quyết tồn đọng trong năm 2017.

Trao đổi với Báo CAND ngày 30-6, ông Nguyễn Duy Kiên, Cục phó Cục Người có công, Bộ LĐ- TB&XH cho biết, tính đến thời điểm này, gần 500 hồ sơ người có công diện tồn đọng đã được giải quyết và đang trình Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ công bố vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sỹ.

Trong số gần 500 hồ sơ thì có 417 hồ sơ đã được giải quyết theo các quy định hiện hành (theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công). Đối với những hồ sơ chưa giải quyết đợt này do chưa đủ cơ sở để hoàn thiện cần thêm thời gian xác minh sẽ giải quyết theo 2 đợt tiếp theo là dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Quốc khánh 2-9 và đợt 3 vào dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12. Như ở tỉnh Tiền Giang, trong tổng số 105 hồ sơ diện tồn đọng đã giải quyết được hơn 50 hồ sơ. Số hồ sơ còn lại hiện đang tiếp tục xác minh, nếu đủ cơ sở sẽ hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

Ông Nguyễn Duy Kiên cũng cho rằng, theo dõi quá trình triển khai cho thấy, các địa phương thực hiện đầy đủ các bước theo hướng dẫn quy trình tại Quyết định số 408. Để bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác, nhưng cũng không để “lọt” hồ sơ, các cơ quan kiểm tra kỹ hồ sơ, đồng thời coi trọng ý kiến của những cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, những người đã tham gia kháng chiến, các cụ cao tuổi, những người dân hiểu biết về trường hợp hy sinh hoặc bị thương của người được đưa ra xem xét. Việc công khai ở cấp xã và cấp tỉnh cũng được tiến hành nghiêm túc.

Do tính chất phức tạp của hồ sơ (trường hợp hy sinh quá lâu, không còn nhân chứng, nội dung xác nhận chưa thật rõ…) nên ở một số địa phương, như: Long An, Vĩnh Long, An Giang, Bình Dương, Hải Phòng… đã mời các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để báo cáo và lắng nghe ý kiến về từng trường hợp.

Hiện nay, tất cả các hồ sơ giải quyết xong đều đạt được sự nhất trí 100% tại các cuộc họp nhân dân, Hội đồng xét duyệt chính sách cấp xã, Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp tỉnh, các cuộc họp lấy ý kiến của các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, và không có ý kiến gì khác qua thời gian đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp.

Việt Hà – Nguyễn Hương
.
.
.