Tranh thủ ý kiến của tầng lớp trí thức với công tác xây dựng Đảng

Thứ Tư, 30/05/2012, 19:10
Vận động trí thức, lắng nghe và huy động sự đóng góp nhiệt tình của trí thức, tin chắc rằng chúng ta sẽ thu hoạch được nhiều bổ ích từ sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đất nước trước yêu cầu hiện nay.

Một trong những di sản Bác Hồ để lại cho chúng ta hôm nay là sự quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức, đưa tầng lớp trí thức vào tham gia xây dựng Đảng phục vụ sự nghiệp cách mạng. Bởi có cách nhìn sáng suốt đó mà thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám - tình thế đất nước khó khăn như “ngàn cân treo sợi tóc” - cũng là thời kì mà nhiều trí thức nổi tiếng đã theo lời kêu gọi của Bác đi theo kháng chiến và sau này chính họ đã có những đóng góp, ghi dấu ấn sâu đậm vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Những đóng góp đó gắn liền với những trí thức nổi tiếng như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng…

Thấm nhuần quan điểm tư tưởng đó của Bác, Đảng ta qua các thời kì đã luôn coi trọng việc tổ chức vận động trí thức tích cực tham gia xây dựng Đảng. Chính nhờ đó Đảng ta đã tiếp thu được nhiều đóng góp quan trọng về tri thức cách mạng cũng như về phương châm chỉ đạo, phương pháp hành động… để xây dựng Đảng ta vững mạnh toàn diện, xứng đáng là ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế cho ta thấy rằng công tác vận động trí thức xây dựng Đảng của chúng ta mới làm tốt ở cấp Trung ương, ở tầm vĩ mô. Càng đi xuống cơ sở, công tác này làm càng chưa xứng tầm, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Ngày nay những gì đang xảy ra ở cơ sở là rất cụ thể và phức tạp, liên quan đến đời sống của người dân, liên quan đến việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, đòi hỏi các cơ sở Đảng không chỉ có quyết tâm về chính trị mà phải có năng lực về tri thức, về phương pháp lãnh đạo thì yêu cầu này càng đặt ra rất cấp bách. Thực tế vừa qua nhiều nơi xảy ra những vụ việc khiếu kiện đông người, gây rối trật tự xã hội, chống lại người thi hành công vụ. Nhiều nơi, tuy bước đầu đã giải quyết tình hình tạm ổn nhưng những hệ lụy của cách dùng những biện pháp chưa thuyết phục, xa rời thực tiễn, nên nhiều người dân chưa “tâm phục khẩu phục”.

Qua đó chúng ta thấy rằng giá như bên cạnh quyết tâm về tư tưởng lãnh đạo Đảng ở cơ sở được trang bị thêm những tri thức hiểu biết về những vấn đề đang trực tiếp giải quyết, tham khảo đội ngũ trí thức, người có uy tín ở địa phương, để từ đó có những cách làm thuyết phục hơn, nhuần nhuyễn hơn về vận động quần chúng, thấu lý đạt tình thì chúng ta sẽ tránh được những vấp váp và chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều.

Đội ngũ trí thức của chúng ta ở cơ sở ngày càng đông bao gồm cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu, từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực công tác… là một “kho tàng” dồi dào về tri thức, về phương pháp xử thế, về kinh nghiệm giáo dục vận động quần chúng, về tổ chức đưa nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào lòng dân. Các cấp ủy Đảng cần thấy rõ thuận lợi này để tìm cách phát huy, nhất là trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Một công việc hết sức khó khăn, cần sự đồng thuận cao của xã hội, nhất thiết phải tranh thủ được sự tham gia của đội ngũ trí thức. Lãnh đạo Đảng các cấp cần có những yêu cầu cụ thể, có những cách làm phù hợp với sự cầu thị đích thực. Chúng ta cần khắc phục những cách nhìn thiếu gần gũi, thiếu cởi mở, ngại tiếp xúc. Vận động trí thức, lắng nghe và huy động sự đóng góp nhiệt tình của trí thức, tin chắc rằng chúng ta sẽ thu hoạch được nhiều bổ ích từ sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đất nước trước yêu cầu hiện nay

P.V.T.
.
.
.