Tổng thu từ du lịch tăng 11 lần nhưng chưa xứng với tiềm năng, lợi thế

Thứ Ba, 20/09/2016, 08:30
“Biển và rừng của chúng ta chẳng thua kém bất cứ một quốc gia nào trong khu vực nhưng lượng khách du lịch đến với chúng ta ít hơn, hoặc người ta đến một lần rồi đi”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu, đánh giá khai thác du lịch Việt Nam hiện nay chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước.

Tiếp tục phiên họp thứ 3, sáng 19-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Tờ trình cho biết, sau 10 năm triển khai Luật Du lịch, du lịch Việt Nam đã có bước tiến đáng khích lệ.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, quá trình triển khai Luật Du lịch đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch, đòi hỏi xây dựng và ban hành Luật Du lịch (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy du lịch phát triển. Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 điều.

Theo Tờ trình, khái niệm du lịch được định nghĩa là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.

Góp ý vào khái niệm này, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn: “Nếu tôi với tư cách là luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, theo khái niệm này thì tôi sẽ khẳng định là Trịnh Xuân Thanh đi du lịch, bởi vì giờ không thấy ở nơi cư trú”.

“Bản chất của du lịch là hoạt động rời khỏi nơi cư trú, nhưng là rời khỏi nơi cư trú của mình một cách hợp pháp. Nhưng bên trong khái niệm này không nêu được 2 vấn đề bản chất đó. Dưới góc độ chuyên xét xử án hình sự, chúng tôi sẽ giải thích sự kiện nóng của đất nước chúng ta về sự vắng mặt của Trịnh Xuân Thanh là đi du lịch”, ông nhấn mạnh.

Đại biểu đề nghị nên xem lại khái niệm du lịch để phản ảnh đúng bản chất.

Tại phiên họp, đa số đại biểu cho rằng, ngành Du lịch Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một ngành kinh tế tổng hợp, ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng phải coi dịch vụ du lịch như một nghệ thuật.

“Đôi khi sản phẩm vừa vừa thôi nhưng ông du lịch nói tốt, mô tả hay thì người dân cứ quấn quýt lại mà nghe, còn đưa máy ghi âm ghi lại; hoặc là một sự kiện lịch sử gì đấy họ dựng cột thuyết minh thì vòng trong vòng ngoài ai cũng đứng lại xem...”, ông nói.

Theo ông, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không chỉ tham quan ngắm cảnh, xem văn hoá mà còn kết hợp nhiều thứ. “Như du lịch ở Singapore, Thái Lan, Trung Quốc còn kết hợp mua bán, cách làm của họ khiến khách có đồng nào trong túi đều rút ra mua bằng hết.

Sang Nhật thì họ dụ dỗ bằng mọi cách để vào khám sức khoẻ, mặc dù giá 2.000-3.000 USD khách cũng bỏ tiền vào khám. Chúng ta cần nghiên cứu khía cạnh này”, đại biểu đề nghị.

Đồng tình quan điểm trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh bổ sung thêm: “Pattaya (Thái Lan) có những điểm dừng rất hay và người ta có chiêu thức quảng bá rất tốt. Ví dụ viện nghiên cứu về rắn. Sự tận tình của họ khiến chúng ta không nỡ bỏ đi mà không mua một cái gì…”.

Cũng đánh giá khai thác du lịch hiện nay chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thực trạng: Biển và rừng của chúng ta chẳng thua kém bất cứ một quốc gia nào trong khu vực nhưng lượng khách du lịch đến với chúng ta ít hơn, hoặc người ta đến một lần rồi đi.

“Như vậy luật này phải giải quyết được vấn đề làm sao để hoạt động du lịch tốt hơn, có chất lượng hơn, phát triển theo hướng hiện đại, thu hút khách du lịch nhiều hơn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị luật phải tạo ra khuôn khổ pháp lý (như hạ tầng, dịch vụ…) để phục vụ cho du lịch. Qua đó khai thác, phát triển một ngành kinh tế có nhiều tiềm năng, lợi thế; đem lại lợi ích, thu nhập, phát triển và gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, phát triển du lịch không thể tách rời khỏi văn hoá. Cùng với đó là đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các loại hình, sản phẩm du lịch.

“Phải tạo ra những khuôn khổ để phát triển chính sách nhà nước, và chính sách cần cụ thể hơn, mang tính chất định hướng cho du lịch phát triển một cách bền vững”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Quỳnh Vinh
.
.
.