Tôn trọng và bảo vệ chế độ XHCN là bảo vệ giá trị của dân tộc

Thứ Hai, 23/09/2013, 10:22
Chế độ xã hội XHCN, chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là thành quả cơ bản của cuộc đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta trên 60 năm qua, là nền tảng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ chế độ XHCN không chỉ là bảo vệ giá trị của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, mà còn là tiền đề, điều kiện để nhân dân ta tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ của chúng ta.

Giá trị của một dân tộc không chỉ là chính trị, mà còn là văn hóa - lịch sử. Bởi vậy mỗi một dân tộc cho dù đã trải qua chế độ xã hội nào, hiện tại đang ở chế độ gì đều có những giá trị, có những biểu tượng mà mọi thành viên, không phân biệt thành phần giai cấp, quan điểm chính trị phải tôn trọng và bảo vệ. Chẳng hạn ở các nước theo chế độ quân chủ (như nhiều nước Bắc Âu, Anh, Thái Lan…), những giá trị và biểu tượng đó là nhà vua, là hoàng tộc. Ở các nước dựa trên một “quốc đạo” nào đó, thì đó là Chúa, là Thánh, là Nhà tiên tri… Đương nhiên không phải tất cả mọi di sản tinh thần đều được bảo vệ. Lựa chọn những giá trị gì, loại bỏ những giá trị nào, lực lượng cầm quyền của dân tộc đó sẽ chịu trách nhiệm.

Đứng trước tình hình xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức - hàng vạn doanh nghiệp ngừng hoạt động, hàng tồn kho, công nhân thất nghiệp, nông dân bỏ ruộng, nợ xấu có khuynh hướng gia tăng, phân hóa giàu nghèo, đạo đức xã hội xuống cấp… đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức trong cán bộ các cấp, như Hội nghị TW 4 đã chỉ ra, nhiều cán bộ đảng viên, trong đó có cán bộ lão thành,  những người đã trải qua thời kỳ lịch sử đầy khó khăn, gian khổ không khỏi không nảy sinh bức xúc. Điều đó hoàn toàn có thể hiểu được. Song dựa vào những khó khăn, bức xúc đó để truyền bá những quan điểm chính trị xa lạ, xuyên tạc lịch sử, thậm chí vu cáo Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội là điều không thể chấp  nhận.

Thời gian qua, khi Quốc hội họp tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm sắp đến, nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và trên một số mạng xã hội chuyên “hành nghề chống Cộng” lại tiếp tục xới lên câu chuyện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”… Trong đó người ta lại sao nhân, phỏng vấn, “bình luận” tác giả “Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh” và lời kêu gọi “Phá xiềng” của một người xưng là Hồ Ngọc Nhuận (HNN). Trong bài viết trên Bauxitevn, HNN không chỉ tán  dương nhiều sai lầm, ngộ nhận của ông Lê Hiếu Đằng mà còn kêu gọi thành lập đảng “Dân chủ xã hội”, “đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam”, xem đây là khâu đột phá để thay đổi chế độ hiện hữu. Trong bài viết nói  trên và trong bài trả lời phỏng vấn RFA (Đài Châu Á tự do), ông HNN đã trắng trợn xuyên tạc thực tế, ông này liều lĩnh vu cáo: Đồng bào ta “bị lấy mất mọi thứ tự do, dù là cơ bản nhất”; “Đất nước ta” như trong một trại cải tạo khổng lồ”; “Học sinh thì bị bắt học, thật tội nghiệp cho con cháu chúng ta quá. Nó bị nhồi nhét, nó bị một chế độ ngu dân”. Với ngôn từ của người thiếu học thức, HNN nói: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng “chuyên quyền, chủ trương xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa muôn vạn lần dân chủ láo, trên nền móng cướp đoạt mọi quyền cơ bản của người dân”. Ông HNN đã tưởng tượng ra sự tồn tại của một “Đảng Dân chủ xã hội” nào đó và kêu gọi đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam hãy “gia nhập Đảng Dân chủ xã hội”, điều mà ngôn ngữ mạng gọi là “đảng ảo”. Ngạc nhiên hơn, ông HNN không biết mình là ai, hung hăng ra lời kêu gọi với giọng của vĩ nhân: Hãy “Đứng vào hàng ngũ Đảng mới để tính toán nợ nần với quá khứ lịch sử, với dòng tộc, với chính mính; giũ sổ với đảng cầm quyền toàn trị”; “Mở một trang mới cho tương lai dân tộc”(?!).

Những ai đã trải qua hai chế độ, đã ít nhiều nghiên cứu về lịch sử đương đại Việt Nam thì đều có thể nhận rõ: Trong thế kỷ XX, dân tộc ta đã tạo nên những giá trị mang tính thời đại. Đó là giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước; lật đổ chế độ thực dân - phong kiến, xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa. Những thành tựu này do nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng lên đấu tranh, giành lại. Tiếp đó, nhân dân ta đã không quản hy sinh xương máu, tiến hành các cuộc kháng chiến anh dũng để bảo vệ Tổ quốc. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia; chế độ dân chủ, cộng hòa, nay là chế độ cộng hòa xã hội chủ nghĩa với các quyền công dân và quyền con người là do nhân dân ta đấu tranh mà có, không phải do một “mẫu quốc” nào, một nhà nước tư bản phát triển nào, “khai hóa”, “chia sẻ”. Những thành tựu của cách mạng Việt Nam trên 60 năm qua, đặc biệt là chế độ xã hội XHCN, Nhà nước pháp quyền, CHXHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã trở thành một giá trị lớn lao của dân tộc ta.

Còn nhớ, ngay sau khi Cách mạng thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam không chủ trương duy trì chính phủ lâm thời do lực lượng khởi nghĩa nắm giữ, Đảng ta đã chủ trương Tổng tuyển cử bầu Quốc hội; thành lập Chính phủ; xây dựng và ban hành Hiến pháp, hình thành cơ sở chính trị, pháp lý của Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cũng từ đây, các quyền công dân và quyền con người của nhân dân ta lần đầu tiên được ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ. Hiếm có một cuộc cách mạng nào, một đảng chính trị nào lại có thể đồng thời làm được những công việc lớn lao, phức tạp - xây dựng chế độ dân chủ, hệ thống chính trị quốc gia chỉ trong vòng một năm như cuộc cách mạng của dân tộc ta. Từ đây, nền tảng của chế độ dân chủ, nhà nước pháp quyền, các quyền công dân và quyền con người của chế độ ta đã được tạo dựng vững chắc.

Cho dù Đảng ta trong những giai đoạn lịch sử nào đó có sai lầm, khuyết điểm, nhưng xuyên tạc, vu cáo, quy kết bản chất Đảng là chuyên quyền độc đoán”, chế độ ta là “dân chủ láo”, là “cướp đoạt mọi quyền cơ bản của người dân” của ông HNN không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn có tội với đồng bào, chiến sỹ đã dũng cảm đấu tranh, hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chế độ xã hội XHCN, chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là thành quả cơ bản của cuộc đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta trên 60 năm qua, là nền tảng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ chế độ XHCN không chỉ là  bảo vệ giá trị của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ  XX, mà còn là tiền đề, điều kiện để nhân dân ta tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ của chúng ta

Linh Nghĩa
.
.
.