Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc:

Tôn trọng và bảo đảm quyền con người thuộc bản chất của Nhà nước Việt Nam

Thứ Hai, 11/11/2013, 08:44
Cho đến nay, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam đã tồn tại và phát triển hơn 2/3 thế kỷ (1945 - 2013). Trong khoảng thời gian đó, nhiều sự kiện lịch sử trọng đại không thể quên: Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đứng về phe Đồng minh chống phát xít, khởi nghĩa giành độc lập dân tộc; kháng chiến chống đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Có thể nói, trong thế kỷ qua, dân tộc ta không chỉ trải qua những biến động lớn lao nhất trong lịch sử nhân loại, mà còn là “người trong cuộc”, đã góp phần xứng đáng vào trào lưu cách mạng và tiến bộ của nhân loại. Niềm tự hào của dân tộc ta không chỉ vì đã bảo vệ được độc lập dân tộc mà còn gắn sự phát triển của chế độ xã hội với những giá trị cao cả của nhân loại, trong đó có quyền con người (QCN), hội nhập với trào lưu cách mạng và tiến bộ của nhân loại.                                            

Trên lĩnh vực QCN, trước khi là thành viên của Liên hợp quốc (ngày 20/9/1977), Nhà nước Việt Nam đã tự nguyện gia nhập nhiều công ước về Luật Nhân đạo quốc tế (về bản chất cũng là luật nhân quyền) như: Công ước Geneve về bảo vệ thường dân trong chiến tranh (năm 1957), Công ước Geneve về đối xử với tù nhân trong chiến tranh (năm 1957),…

Năm 1982, Việt Nam gia nhập hai Công ước quốc tế cơ bản về QCN: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966). Đặc biệt ngày 7 tháng 11 vừa qua, tại Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ông Lê Hoài Trung, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại Liên hợp quốc, đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Công ước nhân quyền của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác của con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Đây là một trong những công ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Tham gia Công ước này, Nhà nước Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế chống lại mọi hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo, bảo đảm ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người. Như vậy có thể nói, cho đến nay, Việt Nam đã gia nhập, ký kết đầy đủ các công ước quốc tế cơ bản về QCN, kể cả những công ước có quan hệ đặc biệt đến chính trị và an ninh quốc gia, cũng như đòi hỏi phải đầu tư nguồn nhân lực và tài chính đáng kể.

Khác với nhiều quốc gia, việc bảo đảm các QCN ở Việt Nam được đặt trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: Đó là trong điều kiện của một nước nghèo, sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các vùng miền còn lớn, lại trải qua hơn 30 năm chiến tranh ác liệt; đó còn là, việc xã hội đã trải qua mô hình xây dựng CNXH kiểu cũ (1975-1986) và đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình CNXH kiểu mới. Trong hoàn cảnh đó, Nhà nước Việt Nam một mặt phải điều chỉnh mô hình phát triển, mặt khác phải có nhiều sáng kiến khắc phục những khó khăn khách quan và chủ quan, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân với những nguồn lực hạn chế.

Trên lĩnh vực quyền dân sự, chính trị, trừ thời kỳ chiến tranh ác liệt, các cuộc bầu cử tự do, chế độ nhiệm kỳ đã được thực hiện nghiêm chỉnh. Sinh hoạt của Quốc hội ngày càng phản ảnh sát với tâm tư, nguyện vọng, kể cả những bức xúc của nhân dân. Cho đến nay, những quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam về cơ bản đã tương thích với luật pháp quốc tế. Về quyền tự do ngôn luận, báo chí, ngoài Luật Báo chí, Nhà nước đã ban hành quy định: các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm định kỳ và khi cần cung cấp thông tin cho báo chí. Cho đến nay, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí với hơn 850 ấn phẩm; 68 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, hơn 80 báo điện tử, hàng nghìn trang tin điện tử và blog… Người dân Việt Nam ngày nay còn được tiếp cận với nhiều hãng thông tấn, báo chí, các kênh truyền hình nước ngoài như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN, các trang mạng như Yahoo, Google, Facebook…

Về sự phát triển Internet, có thể xem Việt Nam là một minh chứng cho khái niệm “Thế giới phẳng” về nhiều phương diện, như tốc độ phát triển, sự kết nối toàn cầu, quyền của người sử dụng…  Tốc độ phát triển Internet ở Việt Nam được xếp hạng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo tổ chức WeAreSocial, số người dùng Internet ở Việt Nam là 30,8 triệu người. Tỉ lệ người dùng Internet trên tổng số dân là 34% (cao hơn mức trung bình của thế giới là 33%). Nhiều khách quốc tế đến Việt Nam cho rằng Việt Nam là “thiên đường” của Internet vì giá cước Internet ở đây vào loại rẻ nhất thế giới.

Là quốc gia có tới 54 dân tộc, Nhà nước Việt Nam không chỉ thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, mà còn thực hiện chính sách các dân tộc “tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước ta tập trung vào khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Chẳng hạn theo Báo cáo của Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010), ngân sách Trung ương đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng, trong đó, các tổ chức quốc tế hỗ trợ 350 triệu USD; xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, chủ yếu cũng thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến hết năm 2010, các huyện đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, với 73.418 căn nhà (đạt 94,58% kế hoạch). 

Về tôn giáo, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, riêng 6 tôn giáo lớn gồm Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo, Hồi giáo có số tín đồ lên tới hơn 20 triệu người, chiếm khoảng 25% dân số Việt Nam. Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam chưa có thời kỳ nào các tôn giáo được đối xử công bằng, bình đẳng và phát triển tự do như dưới chế độ xã hội ta. Xuyên suốt các Hiến pháp, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 1992, Nhà nước ta đều quy định công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta… Nhà nước Việt Nam đã đánh giá cao những đóng góp của đồng bào có đạo cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Trên lĩnh vực bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa; giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội. Đồng thời, Nhà nước ta quan tâm nhiều hơn đến vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Với nguồn lực còn hạn chế, các chương trình, dự án… phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam tập trung vào xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật (hệ thống điện, đường giao thông và hạ tầng xã hội: trường học, mạng lưới cơ sở y tế, bưu điện, nhà văn hóa…). Công tác xóa đói, giảm nghèo được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% cuối năm 2010 còn 9,6% vào cuối năm 2012 và dự kiến chỉ còn 7,8% vào cuối năm 2013.

Quyền con người của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở khu vực ký kết “Công ước quốc tế về quyền trẻ em”. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đặc biệt đến trẻ em, trong đó có chương trình khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội đạt 25,76% (nhiệm kỳ 2007-2011), đứng thứ 4 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 73 trong khi nam giới là 70.

Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc được xem là một lĩnh vực nhân quyền quan trọng nhất, đã được Việt Nam nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua. Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú UNDP tại Việt Nam trong cuộc Hội thảo “Tham vấn về khung phát triển sau năm 2015” (ngày 20/3/2013 tại Hà Nội) đã ghi nhận Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu: “xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực”; “phổ cập giáo dục tiểu học” (đã được hoàn thành từ năm 2000) và mục tiêu “bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ”. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS và đang ở trước “ngưỡng cửa” hoàn thành mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em… Vị đại diện của UNDP ở Việt Nam đã ghi nhận, Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu biểu trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ.

Mặc dù hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách: khoảng cách giàu - nghèo còn lớn. Quyền được chăm sóc sức khỏe của nhân dân nhiều mặt còn hạn chế, nhiều vụ việc gần đây đã gây bức xúc trong nhân dân. Quyền của người tiêu dùng, về giá thuốc chữa bệnh, về sữa cho trẻ em, về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được bảo đảm. Tình trạng tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi… Điều này chắc chắn sẽ còn tác động tiêu cực đến việc bảo đảm QCN.

Mặc dù vậy, nếu đánh giá, nhìn nhận vấn đề QCN theo quan điểm lịch sử cụ thể, khách quan thì không thể phủ nhận được thực tế là: tôn trọng và bảo đảm QCN là bản chất của chế độ xã hội và của Nhà nước ta

M.N.
.
.
.