“Tinh thần và giá trị của Hiến pháp 2013 đã lan toả mạnh mẽ trong đời sống xã hội”

Thứ Ba, 15/01/2019, 11:34
  Là nhận định của GS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại Toạ đàm với chủ đề “5 năm thực hiện Hiến pháp 2013 – những thành tựu lập pháp” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức, sáng 15-1.


Trước đó, sáng 28-11-2013, Quốc hội khoá XIII đã biểu quyết thông qua Hiến pháp năm 2013, tạo lập nền tảng thể chế hiến định cho sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước trong thời kỳ mới. Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần cải cách, đổi mới, kế thừa và phát huy được những giá trị, tư tưởng tiến bộ của dân tộc, thể hiện ý Đảng lòng dân cũng như tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của nhân loại.

GS.TS Lê Minh Thông phát biểu tại buổi toạ đàm

Ngay sau khi Hiến pháp được thông qua, rất nhiều công việc được triển khai, đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Chỉ trong 5 năm, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung hơn 100 luật, kịp thời cụ thể hoá quy định, tinh thần, quan điểm của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp… nhằm thiết lập hệ thống đồng bộ, ổn định, thống nhất cho sự phát triển của đất nước.

Là người trong cuộc góp phần xây dựng, soạn thảo ra Hiến pháp, GS.TS Lê Minh Thông bày tỏ phấn khởi, tự hào khi đất nước đã có một bản Hiến pháp mới, vừa thể chế hoá được đường lối phát triển trong thời kỳ tiếp tục đổi mới sâu rộng, vừa tạo ra khuôn khổ hiến định để mỗi cá nhân, tổ chức phát triển, bảo vệ mình và cùng phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thách thức.

Khẳng định tinh thần và những giá trị của Hiến pháp 2013 ngay từ khi ra đời đã lan toả rất mạnh mẽ trong đời sống xã hội, ông cho rằng, thành tựu lớn nhất, dễ nhận thấy là tinh thần thượng tôn hiến pháp, pháp luật đã được nâng lên. Mỗi người dân trong xã hội đã thấy rõ hơn giá trị của Hiến pháp, biết sử dụng Hiến pháp như một công cụ quan trọng để bảo vệ chính mình, phát huy sáng tạo, tự tin hơn khi tiến hành các công việc trong đời sống.

“Về mặt nhận thức xã hội, chúng ta đã đạt đến giới hạn Hiến pháp không chỉ là câu chuyện trong sách giáo khoa, trên kệ sách, mà là câu chuyện cuộc sống. Hiến pháp đã lan toả ảnh hưởng của mình đối với con người” – GS.TS Lê Minh Thông nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi toạ đàm

Bên cạnh đó, bộ máy nhà nước, các quan chức, công chức cũng ý thức rõ hơn về nghĩa vụ của mình trong thực hiện Hiến pháp, bảo vệ quyền con người. Nhận thức của cán bộ công chức nâng lên một bậc, những quy định của Hiến pháp trở thành “kim chỉ nam” quy định hành vi của công chức, khiến xã hội trật tự hơn.

“Khi cán bộ công chức ý thức được trách nhiệm của mình, phụng sự Hiến pháp, phục vụ nhân dân thì sẽ có cơ may tạo nên một xã hội an toàn, lành mạnh, phát triển”, ông nói.

Thành tựu thứ ba được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp theo ông là Quốc hội đã thông qua 101 đạo luật cụ thể hoá Hiến pháp – một con số chưa từng có trong lịch sử lập pháp của chúng ta. Từ đó tạo ra khuôn khổ pháp luật mới, thúc đẩy sự chấn hưng đất nước và thúc đẩy sự phát triển của con người.  

“Trong lĩnh vực kinh tế, quyền tự do kinh doanh trở thành một trong những từ khoá được tìm kiếm của các chủ thể kinh tế, thấm sâu trong từng câu chữ của những đạo luật mà Quốc hội thông qua. Công cuộc cải cách hành chính đã đạt được những  hiệu quả nhất định, thủ tục được rút gọn hơn rất nhiều, chúng ta có được một chính quyền hành động, kiến tạo, tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền con người và đem lại lợi ích cho nhân dân” – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhận định.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng phát biểu tại buổi toạ đàm

Trong khi đó, GS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thành viên Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lại cho rằng, quyền con người là điểm sáng trong Hiến pháp 2013, chưa bao giờ nhận thức của người dân về Hiến pháp được tăng lên rõ rệt như thế, mỗi lần có vấn đề gì thì họ đều bắt đầu từ Hiến pháp để bảo vệ quyền lợi của mình.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường đã nêu bật những đổi mới có tính đột phá của Hiến pháp trong lĩnh vực tư pháp. Cụ thể là xác định địa vị pháp lý của hệ thống toà án và các cơ quan tư pháp; hiến định nguyên tắc cơ bản của các hoạt động tư pháp như tranh tụng, 2 cấp xét xử; quy định bảo vệ các quyền của con người không bị xâm phạm, kể cả những người phạm tội, bị truy tố (nguyên tắc suy đoán vô tội); góp phần bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan tư pháp được độc lập và hiệu quả hơn…

Các đại biểu đã tập trung làm rõ những thành tựu cơ bản trong triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013; quyền công dân trong Hiến pháp gắn với cải cách tư pháp; thể chế kinh tế với quyền tự do kinh doanh; những vấn đề đặt ra tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013.

Qua đó góp phần khẳng định những kết quả hết sức quan trọng đạt được trong 5 năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp 2013; đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, đề xuất giải pháp tháo gỡ để Hiến pháp thực sự trở thành tư tưởng chủ đạo xuyên suốt hệ thống pháp luật và là “dòng chủ lưu” thống nhất trong đời sống xã hội, trong quản lý nhà nước và trong tâm tư, tình cảm của nhân dân…


Quỳnh Vinh
.
.
.