“Tinh thần dân tộc phải là sức mạnh hạt nhân của thể chế và hệ thống chính trị”

Thứ Năm, 01/11/2018, 19:12

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, chiều 1-11.


Mở đầu phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng cảm ơn sự tín nhiệm của các vị Đại biểu Quốc hội dành cho Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ bởi “kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội có ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước”.

Theo Thủ tướng, qua 10 ngày diễn ra kỳ họp, Quốc hội đã dành nhiều ngày thảo luận, chất vấn và cho ý kiến về nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, xây dựng pháp luật, trong đó có những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội

Các ý kiến hết sức đa dạng và sâu sắc, thậm chí có những ý kiến trái nhau nhưng tất cả đều rất thẳng thắn và tâm huyết, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của các vị đại biểu đối với cử tri cũng như đối với đất nước.

Thủ tướng cho rằng, để bảo vệ các thành quả đã có và đạt được trọn vẹn những mục tiêu phát triển là cả một chặng đường đầy khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới, cải cách, luôn kiên định với lý tưởng, phải nỗ lực, quyết tâm trong nhiều giai đoạn, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp.

“Chắc chắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị,  tận dụng tốt các cơ hội, luôn chung sức đồng lòng, kiên định niềm tin vào lý tưởng và mục tiêu về một nước Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Nhìn lại chặng đường đổi mới 30 năm qua không phải chỉ để thấy niềm tin và tự hào mà quan trọng hơn, giúp chúng ta định hình cho chặng đường 30 năm tới và xa hơn nữa” – Thủ tướng bày tỏ, đồng thời khẳng định chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu.

Thủ tướng với các đại biểu bên hành lang kỳ họp

Thủ tướng lưu ý, thế hệ chúng ta hôm nay cần phải ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là việc lát một viên đá trên con đường lịch sử, hướng đến thịnh vượng cho dân tộc.

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ giai đoạn khó khăn hay thuận lợi nào, tinh thần dân tộc phải là sức mạnh hạt nhân của thể chế và toàn bộ hệ thống chính trị, là yếu tố quyết định ý Đảng, lòng dân và chất keo làm nên tinh thần đoàn kết, nhất trí, một lòng, là ý chí của “con cháu Lạc Hồng” đã từng tạo ra biết bao kỳ tích lịch sử và sẽ tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới cho chặng đường phát triển phía trước của dân tộc ta”, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ.

Nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, tạo quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Điều này càng trở nên cấp bách khi cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Nền kinh tế chúng ta đã và hội nhập sâu rộng ở mức độ chưa từng có vào kinh tế khu vực và toàn cầu.

Theo Thủ tướng, thời gian tới nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải chỉ bị bỏ lại ở phía sau.

“Có một câu nói: “Một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn”. Nhưng tôi cũng xin chia sẻ thêm với các vị đại biểu, đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn” – Thủ tướng viện dẫn.

Đồng thời, nếu tất cả 63 tỉnh thành và toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó trong mọi hoàn cảnh, trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài trên con đường thịnh vượng, “sánh vai được với các cường quốc năm châu” như mong ước của Bác Hồ năm xưa…

Toàn cảnh phiên họp

Sau bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của các đại biểu về những vấn đề “nóng”, được đông đại biểu và cử tri quan tâm.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm là làm thế nào để các thành viên Chính phủ “đều tay hơn”, Thủ tướng cho rằng, “năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài”, nhưng đều nằm trên 1 cổ tay và cổ tay đó đã chụm lại trước sự đoàn kết, nhất trí trong Chính phủ với 30 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và 6 đồng chí ở Bộ Chính trị. Có một câu tiếp theo nữa là “trăm dâu đổ đầu tằm”, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong một số lĩnh vực còn yếu kém.

Thủ tướng nêu ra 4 giải pháp, trong đó nhấn mạnh các vị thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn đổi mới phương pháp công tác, thực hiện đúng quy chế làm việc, chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; tự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát dân, sát cơ sở, sát địa phương để không “đuổi gà qua đám giỗ”. Cuối cùng, với trường hợp vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp.

Về câu hỏi công tác dân vận chính quyền mà ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu, Thủ tướng khẳng định công tác dân vận không chỉ là Ban Dân vận làm mà tất cả các hệ thống chính trị, “nhất là các cấp chính quyền phải quan tâm để người dân đồng thuận với chúng ta trong hành động”.

Đối với chất vấn của đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) về chính sách tôn giáo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, đều được Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ cấp Trung ương tới cấp cơ sở quan tâm.

Theo Thủ tướng, thời gian qua các tín đồ tôn giáo đều đoàn kết, nhân dân ủng hộ có sự đóng góp của 27 triệu tín đồ nước ta. Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo được nâng lên thành Luật là một trong những cải cách pháp lý quan trọng nhằm cụ thể hóa nội dung tinh thần nguyên tắc về quyền con người, trong đó có việc cụ thể hóa quyền tín ngưỡng, tôn giáo và nâng cao trách nhiệm, đảm bảo quyền thực thi quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cho mọi người…

Về vấn đề nợ xây dựng cơ bản mà đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von “cháo nóng húp quanh mà nợ trả dần”. Thủ tướng cho rằng, còn nợ nhiều lắm nhưng để thực hiện Luật chính sách nhà nước và Luật đầu tư công, trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đã bố trí trên 9.000 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng các bộ ngành Trung ương đã được rà soát (chốt đến tháng 12/2014).

“Chúng ta đã xử lý đúng quy định pháp luật và Chính phủ cũng như các bộ ngành thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 26 của Quốc hội” – Thủ tướng nói. Chính phủ cũng đã trình Thường vụ Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí sử dụng quỹ dự phòng chung cho đầu tư công trung hạn để giải quyết một số vấn đề về thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản đang nợ nần…


Quỳnh Vinh
.
.
.