Tín nhiệm và miễn nhiệm: Góc nhìn 10 năm

Chủ Nhật, 16/11/2014, 22:46
Mười năm, hai sự kiện Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm đối với những chức vụ cụ thể khi các cá nhân này để xảy ra sai phạm và phải chịu trách nhiệm về hành vi đó. Và cũng chừng đó thời gian, câu chuyện về phiếu tín nhiệm, phiếu miễn nhiệm trở thành đề tài bàn luận khá nóng tại nghị trường.

Mùng một tháng sáu mười năm trước, khi ấy Hội trường Ba Đình hãy còn. Nắng tháng sáu đến độ “cáu gắt”, còn các vị đại biểu đến nghị trường trong nhiều tâm tư khi thực hiện bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đối với ông Lê Huy Ngọ. Cuối cùng, với hơn 70% đại biểu tán thành, Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng. Nghị quyết ghi rõ lý do miễn nhiệm: “Ông Lê Huy Ngọ đã buông lỏng quản lý đối với tổ chức và cán bộ dưới quyền, không kiên quyết xử lý sau thanh tra để Lã Thị Kim Oanh lợi dụng vi phạm pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tiền, tài sản của nhà nước, gây ảnh hưởng đến uy tín, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.

3 giờ chiều, ông Lê Huy Ngọ xách chiếc ca táp từ Hội trường đi thẳng ra đường hoa hồng, đoạn mấy cây bằng lăng chỉ quá tầm người. Mấy anh em báo chí chúng tôi đứng cạnh ông, nhưng lúc bấy giờ cũng chẳng biết nên hỏi gì, nói gì, rồi một người rút túi lấy ra chiếc quẹt lửa châm thuốc cho ông. Mấy phút trầm tư thả khói mỏng tang, ông lên chiếc xe Dream “lùn” của một phóng viên Báo Lao động rồi nói với chúng tôi: “Mình thấy đây cũng là việc bình thường, là nét văn minh trong đời sống chính trị”…                  

Câu chuyện của ông “Bộ trưởng nông dân” rồi cũng dịu đi.

Hai năm sau, Quốc hội lại sôi động với một kịch bản tương tự: bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông Vận tải đối với ông Đào Đình Bình. Được tiếng cởi mở với báo chí, nhưng ông Bình dạo đó cũng không thể nói điều gì, ông ngoái mặt đi khi phóng viên bật máy ghi âm. Trong tờ trình, Thủ tướng nêu rõ việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bình vì có trách nhiệm của người đứng đầu trong vụ án xảy ra tại PMU18 và một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó có vụ lật tàu E1.

Thêm một buổi chiều lắng đọng với báo chí chốn nghị trường…

Mười năm, đó là hai sự kiện Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm đối với những chức vụ cụ thể khi các cá nhân này để xảy ra sai phạm và phải chịu trách nhiệm về hành vi đó. Và cũng chừng đó thời gian, câu chuyện về phiếu tín nhiệm, phiếu miễn nhiệm trở thành đề tài bàn luận khá nóng tại nghị trường.

Bây giờ, Quốc hội cụ thể hóa bằng việc lần thứ hai lấy phiếu tín nhiệm.

Thực ra, giữa bỏ phiếu miễn nhiệm với bỏ phiếu tín nhiệm, nay thêm lấy phiếu tín nhiệm, đó là các khái niệm rất khác nhau. Bỏ phiếu miễn nhiệm áp dụng khi một vị trí nào đó do Quốc hội bầu, phê chuẩn để xảy ra vi phạm, khuyết điểm, đến mức cần miễn nhiệm. Còn lấy phiếu tín nhiệm là khái niệm mới hình thành sau Nghị quyết Trung ương 4, là việc “đo chỉ số tín nhiệm” định kỳ đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, mục đích để “cảnh tỉnh, răn đe” chứ không nhằm miễn nhiệm, cách chức ai. Trong khi đó, bỏ phiếu tín nhiệm áp dụng khi một vị trí nào đó có hai lần lấy phiếu tín nhiệm quá thấp (quá bán).

Sau mỗi lần lấy phiếu, cái hệ quả của nó không hiển thị trước mắt bằng việc một ai đó phải rời vị trí như trong hai lần Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng đối với ông Lê Huy Ngọ và ông Đào Đình Bình trước đây. Bỏ phiếu là sự chấm dứt với một cương vị, một cá nhân, chẳng còn cơ hội để họ tu sửa. Trong khi đó, những con số từ lá phiếu tín nhiệm của đại biểu Quốc hội lại rất có ý nghĩa về mặt chỉnh đốn, nó thực sự là động lực nếu Quốc hội ghi nhận nhiều “tín nhiệm cao”, ngược lại là sự cảnh tỉnh nếu người nào đó rơi vào “vùng cảnh báo” với nhiều “tín nhiệm thấp”. Bởi lý do đó, việc lấy phiếu tín nhiệm mang tính nhân văn cao.

Sau lần lấy phiếu thứ hai này, ý nghĩa của nó đã được kiểm chứng “lá phiếu tuy nhẹ nhưng trọng trách nặng nề”(lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng). Nó đã thể hiện rõ mục đích khi một số vị trí có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” trong lần đầu tiên thì nay, sau năm rưỡi đã có bước chuyển mạnh mẽ để đạt thành tích trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách và ghi tín nhiệm trong đánh giá của các đại diện cử tri. Chẳng hạn, ở những vị trí có tính chất công việc vốn dĩ rất phức tạp và nhạy cảm như ngân hàng, tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã “ghi điểm” bằng những chuyển động rõ rệt. Tương tự, Bộ trưởng GTVT Đinh La thể hiện rõ ở những hành động quyết đoán, “trảm tướng” trong một số dự án công trình giao thông. Tuy nhiên, còn đó những lĩnh vực đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn như y tế, giáo dục, nội vụ, tất nhiên, tư lệnh các lĩnh vực này cũng cần nhận được sự chia sẻ hơn là chỉ trích…

Sau lần lấy phiếu này, Quốc hội chưa phải tiến hành công việc vốn không mong muốn: bỏ phiếu miễn nhiệm. Nhưng thông điệp “cảnh tỉnh” từ nghị trường cũng đã rất rõ ràng

Đăng Trường
.
.
.