Tín nhiệm giữa kỳ

Thứ Năm, 13/11/2014, 10:22
Lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai tại Quốc hội, xem ra độ nóng từ nghị trường và từ dư luận đã khác kỳ đầu. Đó cũng là điều dễ luận về mặt tâm lý bởi khác với “khởi đầu nan”, ở những lần sau, cả người trong danh sách đại biểu Quốc hội cầm lá phiếu, sự chuẩn bị các mặt về tâm thế đã chu tất hơn. Dù vậy, với ý nghĩa, tính chất quan trọng của nó, việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung trọng tâm tại kỳ này.

Một trong các nội dung đại biểu chú ý trước khi cầm lá phiếu xem tín nhiệm cao thấp thế nào, ấy là bản báo cáo của 50 người có tên trong danh sách lấy phiếu. Báo cáo, hay nói đúng là bản kiểm điểm các mặt ưu, khuyết về bản thân mình chứ không phải là báo cáo chung của ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Với tính chất kiểm điểm cá nhân, đại biểu Quốc hội quan tâm sự thẳng thắn, trách nhiệm của mỗi người, nhìn thẳng sự thật, không che đậy khuyết điểm. Nói về điều này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chia sẻ: “Những bản báo cáo nào làm một cách khách sáo, đại biểu đọc là biết. Kể cả những bản do văn phòng, thư ký soạn thảo mà không đọc lại, các đại biểu phát hiện ra lỗi ngay. Ví như có một số câu văn phong phải là nam giới kiểm điểm thì lại là nữ”. Ông cũng luận rằng, những báo cáo không thực tế, nhận khuyết điểm chung chung đều bị đại biểu “cho điểm” thấp. Tất nhiên cũng có những việc chưa nói thẳng được hoàn toàn, có những điểm phải nhận trách nhiệm về mình nhưng không thể chung chung.

Tất nhiên, báo cáo kiểm điểm chỉ là một khía cạnh, còn để lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu cần một cách nhìn đầy đủ, toàn diện. So với lần bỏ phiếu trước, các đại biểu Quốc hội cũng đã có thời gian dài rộng hơn (hơn 3 năm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII) để đánh giá, soát xét các vị trí một cách khách quan hơn. Đây chính là lý do để tin rằng, việc lấy phiếu giảm đi những nhìn nhận về cảm tính, thấy rõ hơn tính chất công việc. Các vị trí được coi là “ghế nóng” chiếm lượng thông tin rất lớn trên báo chí, dư luận như ngân hàng, giao thông, giáo dục, y tế, công thương, xây dựng… đại biểu có nhiều kênh để đánh giá các mặt ưu, khuyết điểm, đặc biệt là vai trò, vị trí người “cầm trịch”. Ở giai đoạn nào, đó cũng là lĩnh vực thiết thân của mỗi gia đình, đương nhiên mọi động thái, điều chỉnh về chính sách, chủ trương đều tác động đến xã hội nhanh chóng. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn kéo dài chừng nửa thập kỷ nay thì những người đứng đầu các lĩnh vực nóng này phải thực sự là “tay chèo” rắn, dẻo đúng lúc để xoay xở tình hình, vận dụng linh hoạt các quyết sách. Với tính chất công việc như vậy, người làm nhiều, hành động nhiều, đem lại hiệu quả trên nhiều mặt và đương nhiên, quá trình đó khó tránh khỏi vấp váp những khuyết điểm, hạn chế thì các đại biểu cũng sẽ chia sẻ, thấu hiểu hơn với vị trí họ đảm trách.

Qua trao đổi với các đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến cũng đánh giá rõ ở góc độ này. Những biến chuyển rõ nét trong các lĩnh vực như Ngân hàng, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo, Giao thông - Vận tải… đã được kiểm chứng qua nhiều dữ liệu, thông số. Chẳng hạn, ngành Ngân hàng giữ được tỷ giá đồng Việt Nam, giá vàng ổn định, lãi suất vay cho các doanh nghiệp đã hạ, thu hút được tín dụng, nợ xấu bước đầu đã có xử lý; ngành Công thương đảm bảo cán cân xuất, nhập khẩu, hạn chế nhập siêu, đẩy mạnh xuất khẩu; ngành Giao thông xử lý dứt khoát những vụ việc liên quan thi công các công trình cao tốc; các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phát hiện, điều tra, truy tố, xử lý nghiêm các vụ án theo quy trình tố tụng… 

Ngược lại, những lĩnh vực vốn kín tiếng, ít tiếng, nói cách khác là ít khi va chạm với ai thì giờ đây, sự tín nhiệm chắc hẳn cũng được nhìn nhận đúng mực hơn trong mối tương quan với các vị trí khác

Đăng Trường
.
.
.