Tiếp tục cân nhắc về độ tuổi thanh niên

Thứ Năm, 21/11/2019, 19:28
Các đại biểu Quốc hội chưa thống nhất việc quy định độ tuổi thanh niên từ đến 30 tuổi hay nâng lên đến 35 tuổi

Tại phiên thảo luận chiều 21-11, đa số các đại biểu nhất trí với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tranh luận về việc nên hay không nên nâng độ tuổi thanh niên lên 35.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhất trí quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 đến 30 tuổi như trong dự thảo Luật, đồng thời cho biết, quy định độ tuổi của thanh niên liên quan đến việc Nhà nước tập trung nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển thanh niên như ban hành các chính sách về giáo dục, đào tạo nghề, kỹ năng... Trên thực tế, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là 18 tuổi. Ở độ tuổi đó, thanh niên bắt đầu đi làm, khởi nghiệp hoặc học cao đẳng, đại học hoặc học nghề thì độ tuổi trung bình từ 21 - 23 tuổi. Đến 30 tuổi, thanh niên đã tốt nghiệp và bắt đầu đi làm. Các chính sách hỗ trợ phát triển cho thanh niên không nên kéo dài đến 35 tuổi, khi thanh niên đã đi làm trên 10 năm. Vì vậy, quy định về độ tuổi thanh niên như trong dự thảo Luật là phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, cần tăng độ tuổi của thanh niên lên đến 35 tuổi. Đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị), tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay đã tăng, sức khỏe, thể chất cũng đã cải thiện tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước. Bên cạnh đó, quy định như vậy còn giúp tập hợp được đông đảo hơn nữa lực lượng thanh niên phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, việc này còn tạo thuận lợi cho công tác xây dựng, bố trí lực lượng cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Đại biểu Mai Thị Kim Nhung cũng cho rằng, nếu quy định độ tuổi tối đa của thanh niên là 30 tuổi thì các cơ sở Đoàn tại các cơ quan hành chính hay đơn vị sự nghiệp công lập sẽ khó hoạt động, bởi xu thế hiện nay sinh viên sau khi ra trường thường tiếp tục học thêm hoặc tham gia trải nghiệm tại các cơ sở kinh tế ngoài nhà nước, sau đó mới thi tuyển vào cơ quan hành chính nhà nước hay các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thông tin về độ tuổi thanh niên ở một số nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam, đồng thời có báo cáo đánh giá tác động về các chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên để các đại biểu có căn cứ quyết định.


Thu Thuỷ
.
.
.