Tiếp nối hành trình vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Bác

Thứ Năm, 27/05/2021, 08:41
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021) và 80 năm Ngày Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/1/1941-28/1/2021), ngày 26/5, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối giữa điểm cầu trung tâm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các điểm cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Cao Bằng.

Dự và chủ trì Hội thảo, tại Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tham dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn tham dự tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Cách đây 110 năm, với ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Hành trình của Người đã mở ra những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Gần 30 năm kể từ lúc ra đi cho đến khi trở về Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành, sau này đã trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả, mang đến cho nhân dân Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình sáng tạo, vĩ đại trong tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Mỗi bước đi của Người trong hành trình ấy đều gắn liền với những quyết định trọng đại, những mốc son lịch sử trong các chặng đường của cách mạng Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đi vào cuộc sống thì việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần tiếp tục được các cấp, các ngành, các đơn vị đẩy mạnh theo hướng thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo những lời căn dặn, quý báu của Người; hết sức chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, toàn diện, để Đảng ta mãi “là đạo đức, là văn minh”; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lịch sử được nhân dân giao phó.

“Chúng ta phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc", thật sự tin tưởng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hết sức chăm lo cho đời sống nhân dân, coi nhân dân là chủ thể của công cuộc đổi mới. Cùng với đó, tiếp tục kiên định với đường lối đổi mới, khơi dậy khát vọng, phát huy giá trị văn hóa, tinh thần sáng tạo, sức mạnh con người Việt Nam để lập nên những kỳ tích phát triển mới về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, học giả đã tập trung phân tích các tham luận, nêu ý kiến phân tích quá trình Đảng ta vận dụng, bổ sung, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó cốt lõi là tư tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đảm bảo đất nước phát triển nhanh và bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thu Phương
.
.
.