Thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn quy hoạch ngành Thép

Thứ Sáu, 23/12/2016, 08:09
Đây là thông tin được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá Dự thảo Quy hoạch Hệ thống Sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, căn cứ trên kiến nghị của Vụ Công Nghiệp nặng.


Nhất quán “không đánh đổi môi trường lấy dự án”

Theo đó, đơn vị thực hiện là Công ty tư vấn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, có trách nhiệm làm rõ xu hướng phát triển ngành Thép thế giới và khu vực; đồng thời đánh giá khả năng cạnh tranh của ngành Thép Việt Nam so với khu vực và trên thế giới, cũng như việc lựa chọn nhà thầu, công nghệ và những đánh giá tác động về môi trường.

Thời gian hoàn thành dự thảo đề án là trong quý II năm 2017. Động thái này được đưa ra sau khi có rất nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) được đưa vào quy hoạch.

Thông điệp từ Bộ Công Thương cho biết: Bộ đã lắng nghe ý kiến dư luận xã hội, của các chuyên gia, các nhà phản biện trong thời gian qua về lĩnh vực sản xuất thép và quy hoạch các dự án thép.

Thảm họa xả thải của Formosa đã buộc phải cân nhắc thận trọng các dự án thép.

Thuê một công ty tư vấn nước ngoài, độc lập cũng là cách để đánh giá, nhìn nhận khách quan, cầu thị trong việc xây dựng quy hoạch của ngành. Được biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm nhất quán “Không đánh đổi môi trường lấy dự án”.

Ông Trần Tuấn Anh cũng khẳng định “quy chế giám sát tới đây sẽ rất chặt chẽ; không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước, mà các tổ chức xã hội, truyền thông, dư luận, người dân cũng sẽ cùng tham gia giám sát các dự án này”. 

Hiện, dự thảo quy hoạch ngành Thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 mới đi được 1/5 quãng đường. Trong đó, giữa tháng 11-2016, Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan về dự thảo lần 1.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp từ các bộ ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân, hiệp hội, ngày 13-12-2016, Bộ Công Thương ban hành Dự thảo lần 2 và tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ www.moit.gov.vn và các địa phương trên phạm vi toàn quốc.

So với dự thảo lần 1, dự thảo lần 2 có sự thay đổi đáng kể, trong đó đáng chú ý nhất là 12 dự án có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, chưa triển khai hoặc do địa phương đề xuất đã bị loại khỏi quy hoạch.

Theo kế hoạch, ngay trong tháng 12, Bộ Công Thương sẽ tổ chức trưng cầu ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, môi trường, nước, khí hậu, du lịch… Trên cơ sở các ý kiến này, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện dự thảo lần 3 để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định vào quý IV năm 2016.

Cần cân nhắc 4 vấn đề trụ cột để quyết định

Theo Bộ Công Thương, năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước tiêu thụ nhiều thép nhất trong các nước Đông Nam Á. Hệ thống sản xuất và phân phối trong nước hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng (khoảng 6 triệu tấn thép xây dựng trong tổng cầu khoảng 20 triệu tấn thép).

Một số doanh nghiệp trong nước đã vươn lên trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, đầu tư có chiều sâu cơ sở sản xuất phôi thép… tạo ra cơ sở quan trọng để ngành Thép Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành Thép hiện nay còn nhiều hạn chế cần tập trung giải quyết.

Hiện ngành Thép Việt Nam mới chỉ sản xuất được phôi thép xây dựng với công suất 6 triệu tấn là nguyên liệu đầu vào cho ngành cán thép xây dựng. Trong khi, năm 2015, cả nước thiếu hụt tới 15 triệu tấn thép thô. Chính vì thế, nhập siêu thép của Việt Nam đã lên tới 6-7 tỷ USD.

Việc này, cộng với tham vọng khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê của Bộ Công Thương đã khiến lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng gợi ý một số DN lớn trong nước làm thép lò cao, như Hoa Sen và Hòa Phát.

Tuy nhiên, dự án thép Cà Ná không nhận được sự đồng thuận của dư luận, do những lo ngại liên quan đến môi trường (đặc biệt sau sự cố Formosa tại Hà Tĩnh), do ngành Thép thế giới đang thừa cung, đặc biệt là Trung Quốc dư thừa thép, thất bại của dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên, việc TKV xin ngưng đầu tư thép... và cả lo lắng về khả năng tài chính của Hoa Sen.

TS Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng phản ứng của dư luận “có cả bằng chứng và xúc cảm”.

Và để không quyết định bằng xúc cảm, theo TS Thành, vấn đề không phải “đây là dự án thép” hay “đây do Hoa Sen làm”, mà cần cân nhắc đến các điểm sau: Nếu dự án thất bại, phí tổn đó sẽ do ai chịu, đặc biệt khi dự án lớn, có ảnh hưởng tới nhiều người và có khả năng tác động xấu đến hệ thống ngân hàng; thứ hai là vấn đề môi trường; thứ 3 là vấn đề xã hội, đặc biệt là đất đai; và cuối cùng là yếu tố quốc phòng – an ninh.

Vũ Hân
.
.
.