Kỷ niệm 197 năm ngày sinh Các Mác (5/5/1818 – 5/5/2015)

Thực tiễn sinh động về sức sống của Chủ nghĩa Mác

Thứ Ba, 05/05/2015, 09:30
Hiện thực xã hội chứng minh, học thuyết Mác – Lê nin đã không hề “đổ vỡ” như luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, phản động. Trái lại, cho dù lịch sử phải trải qua những khúc ngoặt, chủ nghĩa xã hội sau sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ rơi vào thoái trào nhưng học thuyết Mác nói riêng, hệ thống lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung vẫn cho thấy sức sống mãnh liệt, niềm tin vào chủ nghĩa xã hội càng được củng cố qua thực tiễn. 

Tới nay, gần hai thế kỷ đã qua kể từ ngày sinh của Các Mác (5/5/1818 – 5/5/2015), đó là thời kỳ lịch sử mà thế giới đã trải qua nhiều sự biến đổi lớn lao. Nếu như thế kỷ XIX, nhìn một cách tổng thể, thế giới còn đặt dưới ách thống trị của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc và thực dân, thì thế kỷ XX, bộ mặt thế giới đã đổi khác rất nhiều. Hai cuộc đại chiến thế giới vào nửa đầu thế kỷ này đã dẫn đến sự sụp đổ một mảng lớn của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, sự ra đời và thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên một loạt nước, trước hết là Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, cuộc cách mạng mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và đi liền với nó là sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân sau đại chiến thế giới lần thứ hai, đánh dấu một đỉnh cao mới của các phong trào cách mạng trên hành tinh chúng ta.

Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, với sự đổ vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Ðông Âu, kéo theo thoái trào tạm thời của phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới, những chính trị gia và học giả  của chủ nghĩa tư bản hí hửng tuyên bố “sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội”. Họ “tiên đoán”, sự cáo chung này sẽ diễn ra vào… cuối thế kỷ XX.

Nhưng sự thực cho thấy, không có bất cứ sự cáo chung nào mà ngược lại, chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển ở nhiều nước, chiếm gần một phần ba dân số thế giới. Các nước đi theo chủ nghĩa xã hội bằng đường lối đổi mới, hội nhập, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lê nin vào điều kiện thực tiễn để không ngừng củng cố, phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó giữ ổn định kiến trúc thượng tầng.

Hơn một thập niên đầu của thế kỷ XXI còn cho thấy những dấu hiệu rõ ràng về sự phục hồi từng bước của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đặc biệt là sự ra đời của chủ nghĩa xã hội Mỹ Latinh với thắng lợi của lực lượng cánh tả ở nhiều quốc gia. Thực tiễn cũng cho thấy những khuyết tật cố hữu của chủ nghĩa tư bản mà tiêu biểu nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đến nay hậu quả của nó còn rất nặng nề.

Cần khẳng định, giá trị lớn lao và sức sống mãnh liệt của Chủ nghĩa Mác không phải ở chỗ nó cung cấp những lời giải đáp cho mọi vấn đề của thực tiễn thế giới mà ở chỗ nó chỉ ra quy luật vận động khách quan của xã hội, chỉ ra những nhiệm vụ lịch sử cần giải quyết để từng bước giải phóng các giai cấp lao động và các dân tộc bị áp bức, giải phóng con người và xã hội loài người khỏi mọi sự tha hóa, xây dựng một xã hội "trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người".

Sự khẳng định này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác, cũng như đánh giá đúng đắn những cống hiến của Mác đối với nhân loại. Với tư cách là nhà khoa học thiên tài, Mác đã có những cống hiến kiệt xuất tạo ra một cuộc cách mạng triệt để trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới.

Trên cơ sở tổng kết lịch sử thế giới, đặc biệt là sự nghiên cứu công phu về chủ nghĩa tư bản và thực tiễn phong trào công nhân quốc tế, đồng thời kế thừa những giá trị tinh hoa của nhân loại trong các lĩnh vực khoa học và tư tưởng, Mác cùng với Ăngghen đã sáng tạo nên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết giá trị thặng dư và học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Ðây là những cống hiến có ý nghĩa thời đại, hình thành một thế giới quan và một phương pháp luận khoa học và cách mạng, đem lại cho nhân loại và cho giai cấp công nhân một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới. 

Mác là một nhà khoa học có bản lĩnh, sức sáng tạo phi thường và khả năng làm việc hiếm thấy. Một khối lượng đồ sộ hàng nghìn công trình khoa học của riêng Mác và cùng viết với Ăngghen đã được công bố, là kết quả của cả cuộc đời nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng, gắn với những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Với Mác, bản chất của lý luận không bao giờ là hoàn chỉnh trọn vẹn cả, do đó Người đã không ngần ngại sửa đổi những quan điểm lý luận của mình không còn phù hợp với điều kiện mới của thực tiễn cuộc sống. Không chỉ là một nhà tư tưởng, nhà bác học thiên tài, Mác đồng thời là nhà cách mạng vĩ đại. Thông qua hoạt động trực tiếp trong phong trào công nhân, Mác đưa lý luận thâm nhập vào phong trào, biến lý luận thành lực lượng vật chất to lớn, thúc đẩy cách mạng và sự phát triển của xã hội.

Bất chấp những biến cố thăng trầm của lịch sử, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến khoa học lý luận kiệt xuất cùng với nhân cách sống bình dị mà cao thượng của Mác vẫn tràn đầy sức sống, tiếp tục tỏa sáng, định hướng cho hành động cách mạng của các đảng Cộng sản và công nhân trên thế giới, trong đó có Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Có thể nói, thực tiễn cách mạng Việt Nam là một biểu hiện sinh động, đầy sức thuyết phục về sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nắm vững phương pháp luận mác-xít, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tổng kết thực tiễn 85 năm qua, đặc biệt là thực tiễn 30 năm đổi mới, Ðảng ta không ngừng làm giàu trí tuệ, góp phần bổ sung, phát triển lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Một trong những biểu hiện rõ nét về điều này là sự phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận về những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội trong điều kiện thực tiễn ở nước ta.

TS Trần Cẩm Tú
.
.
.