Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường

Thứ Bảy, 06/09/2014, 09:42
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá, là sự kết tinh tinh thần, tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người, vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước cả hôm nay và trong tương lai. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một ý nguyện của Người về xây dựng một đời sống văn hóa mới, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề môi trường, Người thấy được môi trường có vai trò hết sức quan trọng đối với sự sống của con người. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, môi trường tự nhiên không phải là cái gì xa lạ, mà nó rất gần gũi với con người. Người từng nói: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc, có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh… Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Người cho rằng, để duy trì sự tồn tại và phát triển của mình, thì con người cần phải bảo vệ và xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất, rừng, biển; ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn sức khỏe, phòng chống bệnh tật, bài trừ các phong tục tập quán lạc hậu.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mặc dù bận trăm công, nghìn việc, song Hồ Chí Minh vẫn không quên vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có việc bảo vệ rừng. Bởi, rừng giữ vai trò điều hòa khí hậu, giữ đất, giữ nước, cân bằng môi trường tự nhiên. Người từng nói: “rừng vàng, biển bạc”, “nếu rừng kiệt sẽ không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lũ lụt và hạn hán”. Vì vậy, “chúng ta chớ lãng phí vàng, mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ bảo vệ và tu bổ rừng, khai thác rừng phải đi đôi với bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng. Việc làm này theo Người “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”, nó không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ mùa màng, xóm làng, bảo vệ môi trường, hạn chế được những thiệt hại do mưa bão gây ra.

Nhận thức được ích lợi của việc bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng, Hồ Chí Minh đã nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. 

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (1960), Hồ Chí Minh đã phát động “Tết trồng cây”, kêu gọi tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia trồng cây. Từ đó đến nay, “Tết trồng cây” đã trở thành một phong trào thi đua yêu nước rộng khắp, trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta. Trước khi qua đời, trong Di chúc, Người dặn lại: “Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp...”.

Không chỉ quan tâm đến việc bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, giữ gìn môi trường tự nhiên, Hồ Chí Minh còn quan tâm và coi trọng đến việc xây dựng một môi trường sống trong sạch, lành mạnh. Người đã viết tác phẩm “Đời sống mới” (1947), nhằm tuyên truyền, vận động toàn dân ta thực hiện đời sống văn hóa mới. Người khuyên mọi người phải ăn sạch, uống sạch, ở sạch, mặc sạch, đường sá, ao tắm, giếng nước phải sạch sẽ; đồng thời, phải đấu tranh loại trừ các phong tục tập quán lạc hậu, như cúng bái, ma chay, cưới hỏi; phải xóa bỏ các tệ nạn xã hội trong đời sống...

  Hồ Chí Minh đã khởi xướng nhiều phong trào thi xây dựng đời sống mới, được nhân dân cả nước hưởng ứng nhiệt liệt, như: phong trào “vệ sinh yêu nước”, phong trào “ba xây, ba chống”... Bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về thực hành lối sống mới: Giản dị, tiết kiệm, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, thường xuyên luyện tập giữ gìn sức khỏe, gắn bó với con người, với thiên nhiên, luôn có ý thức giữ gìn trong sạch vệ sinh môi trường. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn”.

 Bằng những ngôn từ giản dị, dễ hiểu nhất, những lời dặn lại trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường chứa chan tấm lòng của một hiền nhân đối với con người, với thiên nhiên, môi trường. 45 năm qua, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác bảo vệ môi trường:

 Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường từng bước được hoàn thiện; nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng về bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt; các hình thức tuyên truyền về bảo vệ môi trường ngày càng phong phú đa dạng hơn; những vấn đề bức xúc về môi trường, các “điểm nóng” vi phạm môi trường từng bước được giải quyết. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, đó là nạn phá rừng đang xảy ra nghiêm trọng, độ che phủ rừng ngày càng giảm đi; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các khu công nghiệp, các làng nghề thủ công ngày càng tăng... Thực hiện Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường, Đảng ta nêu rõ: “Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ lãnh đạo các cấp về bảo vệ môi trường. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường... và thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay

N.T.K.D.
.
.
.