Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Kazakhstan

Thứ Năm, 14/11/2019, 23:27
Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan do ngài Nurlan Nigmatulin, Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan dẫn đầu bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13-11.

Sáng 14-11, tại Nhà Quốc hội, Lễ đón chính thức Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin đã diễn ra trọng thể tại Nhà Quốc hội với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin tiến hành hội đàm.

Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy, cùng với quan hệ chính trị - ngoại giao phát triển tốt đẹp, quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước ngày càng được đẩy mạnh. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu đã đem lại những chuyển biến tích cực trong hợp tác kinh tế, thương mại hai nước. 

Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt hơn 200 triệu USD, năm 2018 đạt 268 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 130 triệu USD. Hai nhà lãnh đạo cho rằng, những kết quả này còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Kazakhstan có diện tích tự nhiên lớn thứ 9 trên thế giới, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Việt Nam mong muốn tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh là điện thoại và linh kiện máy móc thiết bị hàng điện tử sang thị trường Kazakhstan và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhập khẩu các mặt hàng như quặng, khoáng sản, hóa chất, máy vi tính từ Kazakhstan. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan Nurlan Nigmatulin tại Lễ đón. Ảnh: TTXVN.

Hai bên ưu tiên thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại, nhất là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Kazakhstan có nhu cầu như: công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, dệt may; tập trung, trao đổi thúc đẩy thương mại các mặt hàng nông sản có thế mạnh và bổ trợ lẫn nhau; tìm thêm cơ hội, khả năng mới (nghiên cứu xem xét khả năng ký kết các thỏa thuận hợp tác; thành lập, triển khai các dự án hợp tác mới...) khai thác tiềm năng, lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á – Âu. 

Hai bên cần thúc đẩy phổ biến thông tin về các ưu đãi của Hiệp định đến cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhằm mở rộng cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa hai bên.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Cuộc họp lần thứ 9 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Kazakhstan đã tổ chức thành công tại Thủ đô Nursultan vào tháng 9-2019 với các định hướng cụ thể trong nhiều lĩnh vực hợp tác song phương, có thêm những sáng kiến mới như: thúc đẩy hợp tác giữa tổ chức tài chính của hai nước tại Trung tâm Tài chính quốc tế Astana; nghiên cứu khả năng mở đường bay thẳng kết nối giữa Việt Nam- Kazakhstan với một số nước châu Âu.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Kazakhstan đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia mà công dân được miễn thị thực nhập cảnh Kazakhstan trong thời hạn 30 ngày; đồng thời cho biết, Việt Nam đã đưa Kazakhstan vào danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử.

Cảm ơn Kazakhstan đã ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, cũng như trong khuôn khổ Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA), Phong trào không liên kết và Liên hợp quốc.

Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của tất cả các nước đóng góp tích cực vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không vì hợp tác và phát triển của khu vực. Việt Nam mong Kazakhstan ủng hộ lập trường nguyên tắc của Việt Nam và ASEAN là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội đã có những chia sẻ về cơ cấu tổ chức, hoạt động của Quốc hội Việt Nam, công tác tiếp xúc cử tri… Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên xem xét ký thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai hợp tác ngày càng bền vững, hiệu quả. Hai bên tiếp tục duy trì, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, cấp Ủy ban và cơ quan phục vụ Quốc hội; phối hợp giám sát thực hiện các Thỏa thuận hợp tác mà Chính phủ hai nước đã ký. Hai Bên duy trì, phát huy cơ chế tham vấn, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á–Thái Bình Dương (APPF), Diễn đàn ASEP, MSEAP... để trao đổi về các vấn đề thuộc mối quan tâm chung và những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Nhất trí với các nội dung mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu, Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan cho rằng, thời gian tới, hai bên tập trung tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hai bên còn nhiều tiềm năng, dư địa để đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại, trong đó có lĩnh vực vận chuyển. 

Ngài Nurlan Nigmatulin bày tỏ vui mừng Việt Nam sẽ mở cơ quan thương vụ tại Kazakhstan; nhấn mạnh, hai bên có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp bởi Kazakhstan đứng thứ 9 về diện tích tự nhiên, có chương trình phát triển quy mô lớn về nông nghiệp. Cùng với đó Kazakhstan quan tâm phát triển công nghiệp nhẹ. Kazakhstan đã thông qua chương trình chiến lược kỹ thuật số Kazakhstan để đưa mọi hoạt động của đất nước thực hiện bởi chương trình công nghệ mới.

Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan chia sẻ, theo FTA Việt Nam và Liên minh kinh tế Á -Âu, mỗi ngành hàng có hạn ngạch nhất định, nhưng nếu được sản xuất ở Kazakhstan có thể phân phối toàn Liên minh kinh tế Á-Âu mà không gặp hạn chế. 

Kazakhstan bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nước ngoài bằng các văn bản pháp luật nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi nhất cũng như bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào công cuộc hiện đại hóa đất nước Kazakhstan.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan.

Hoàng Thị Hoa
.
.
.