Thượng tướng Lê Chiêm: “Cán bộ chia lương khô làm quà” là cảnh báo các địa phương

Thứ Sáu, 23/10/2020, 18:04
Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, việc "cán bộ chia lương khô làm quà" là cảnh báo để các tổ chức chấn chỉnh, mặc dù hiện nay chưa phát hiện.

Liên quan đến việc Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có nói “cán bộ chia lương khô làm quà” gây xôn xao dư luận, chiều 23/10, bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Lê Chiêm một lần nữa khẳng định, là người tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt ở nhiều cấp, nhiều năm và thấy có tình trạng đó. 

“Ở đây tôi không nói cụ thể địa phương nào vì tôi làm nhiệm vụ này ở tất cả vùng lũ lụt, ở các tỉnh và quân khu đều tham gia. Đây là vấn đề cảnh báo và chấn chỉnh ngay cán bộ cơ sở chứ không riêng gì địa phương nào, để tất cả hàng hóa của nhân dân, quân đội cần được cấp tới đúng người dân cần hỗ trợ. Cần cảnh báo để các tổ chức chấn chỉnh, mặc dù hiện nay chưa phát hiện. Chúng tôi cũng rút ra bài học và cảnh báo với địa phương về việc bớt xén chế độ, làm sao hàng hóa này đến người dân cần được hưởng” – Thượng tướng Lê Chiêm nói. 

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm, một vấn đề cần rút kinh nghiệm là việc đưa hàng cứu trợ đến người dân có nơi, có lúc không được tổ chức chặt chẽ, hàng đến với người dân chậm, chất lượng thấp. Việc sử dụng hàng hoá ở một số địa phương không đúng mục đích, đưa vào kho dự trữ rồi sau đợt lũ lụt mới đưa ra thì lúc đó hiệu quả không cao. 

Một vấn đề nữa là có một số người đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn sử dụng hàng cứu trợ không đúng mục đích. Ví dụ như lấy một số hàng hóa chuyển đến những nơi không đúng đối tượng hoặc sử dụng cho một số đối tượng khác trong khi hàng hoá này phải được chuyển đến nơi cần nhất là người dân.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, qua khảo sát cho thấy, hiện hàng hoá cứu trợ ứ đọng ở các tỉnh miền Trung rất nhiều, nhất là hàng hoá do các địa phương khác đưa đến vùng lũ. Giải pháp tốt nhất bây giờ là lãnh đạo địa phương vào cuộc, tổ chức đứng ra tiếp nhận và phân phối ngay về các vùng vì người từ thiện không thể băng rừng, vượt suối.

Tuy nhiên, với tâm lý người cứu trợ muốn trực tiếp đưa hàng đến tay người dân nên chính quyền địa phương cần tổ chức lực lượng, đặc biệt là quân đội, công an, dân quân tự vệ, tổ chức tiếp nhận và dẫn đường.

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho biết, hiện vẫn còn nhiều nơi chưa tiếp cận được, như ngày 22/10, ở Tây Giang (Quảng Nam) còn 3 xã, rồi Nghệ An, Hà Tĩnh mỗi tỉnh còn 4-5 xã chưa tiếp cận được. “Nhiều nơi chỉ có thể tiếp cận bằng đường hàng không nhưng thời tiết phải đảm bảo, tàu thuyền chạy cũng rất khó khăn, phải đảm bảo an toàn mới tiếp cận được. Ngày 23/10 thời tiết tốt, tất cả các loại phương tiện sẽ tiếp cận. Hôm nay máy bay đã 4-5 lần tiếp cận để đảm bảo người dân không bị đói, rét” – Thượng tướng Lê Chiêm thông tin. 

Thu Thuỷ
.
.
.