Hôm nay (20/10), khai mạc Kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIII

Thông qua nhiều dự luật về an ninh, trật tự, tư pháp

Thứ Ba, 20/10/2015, 08:34
Kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIII khai mạc vào ngày 20/10 và sẽ diễn ra trong hơn một tháng.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 18 luật, trong đó có nhiều luật về lĩnh vực an ninh, trật tự, tư pháp như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

Trong đó, dự án Bộ luật Hình sự đã được chỉnh lý nhiều lần, bổ sung những điểm mới như: trách nhiệm hình sự của pháp nhân; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; biện pháp thay thế xử lý hình sự người chưa thành niên phạm tội; về việc không tử hình người phạm tội trên 75 tuổi; quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống chung thân… Những vấn đề này đã được lấy ý kiến nhân dân, các bộ, ngành, địa phương và ý kiến đại biểu Quốc hội, tại kỳ này, Quốc hội sẽ thảo luận và chốt phương án cuối cùng trước khi biểu quyết thông qua. 

Đối với dự án Bộ luật Tố tụng hình sự, tại kỳ này, các đại biểu tiếp tục xem xét, thảo luận các nội dung như: nguyên tắc suy đoán vô tội; bổ sung quy định về nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra; quyền của người bị bắt, bị tạm giữ; căn cứ tạm giam, thời hạn tạm giam; quy định về ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can…

Về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã bổ sung quy định quyền hạn điều tra của lực lượng kiểm ngư; về những việc điều tra viên không được làm và hội đồng thi tuyển điều tra viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp… 

Tại kỳ này, Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về những nội dung còn có ý kiến khác nhau về cơ quan được giao một số hoạt động điều tra; về tổ chức bộ máy cơ quan Cảnh sát điều tra; trách nhiệm của Công an phường, xã, thị trấn, đồn Công an…

Quốc hội cũng sẽ thảo luận và thông qua Luật Tạm giữ, tạm giam. Hiện dự luật đã được chỉnh lý, bổ sung những điểm mới như quy định về gặp gỡ thân nhân, người bào chữa; phân loại quản lý tạm giữ, tạm giam… 

Ngoài ra, Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Trưng cầu ý dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; Luật Thống kê (sửa đổi); Luật An toàn thông tin; Luật Phí, lệ phí; Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật Khí tượng, thủy văn; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi); Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế.

Bốn nghị quyết sẽ xem xét thông qua gồm: Nghị quyết về việc gia nhập công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại. 

8 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến gồm: Luật về hội; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước Quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Tiếp cận thông tin; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Tín ngưỡng tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật Dược (sửa đổi).

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác. Cụ thể: Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; báo cáo của Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015 và dự toán ngân sách Nhà nước 2016; báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 và chất vấn lại một số vấn đề; báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý; sử dụng đất đai tại nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.

Quốc hội cũng sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia; bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Tổng Thư ký Quốc hội; phê chuẩn Phó Chủ tịch và uỷ viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chất vấn tại kỳ họp thứ 10 vẫn diễn ra trong 2,5 ngày nhưng có đổi mới là chất vấn tổng thể chứ không chất vất riêng một lĩnh vực nào, qua đó cho thấy các cam kết của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trước Quốc hội đã được thực hiện như thế nào. Trên cơ sở đó, đại biểu tiếp tục chất vấn về những điều đã làm được và làm rõ tại sao có những việc chưa hoàn thành.

M.Đ.
.
.
.