Thời hoa lửa của chiến sĩ Sư đoàn 304

Chủ Nhật, 03/05/2020, 08:00
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 là đơn vị nòng cốt thọc sâu, đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Với tinh thần "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", quán triệt sâu sắc tư tưởng "thần tốc, táo bạo, quyết thắng", Trung đoàn là một trong những đơn vị đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975, trực tiếp bắt Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng.


Đã 45 năm trôi qua, hồi ức về ngày miền Nam giải phóng rợp cờ hoa vẫn vang vọng trong tâm trí Trung tá Hoàng Khắc Huệ, một cựu chiến binh kiên trung của Trung đoàn 66 Anh hùng...

Kỷ niệm "đi B"

Năm 1968, vừa tròn 19 tuổi, chàng thanh niên Hoàng Khắc Huệ từ vùng quê nghèo Thanh Chương xuống TP Vinh theo học khoa Toán của Trường Đại học Vinh. Đến năm 1971, theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ tại Đoàn 22A, Quân khu IV. Thấy anh nhanh nhẹn, có "nghiệp vụ sư phạm" nên đơn vị cử đi học lớp Tiểu đội trưởng để huấn luyện tân binh "đi B", bổ sung cho chiến trường. 

Trải qua 4 tháng huấn luyện, đến tháng 6/1972, đồng chí Hoàng Khắc Huệ cùng đồng đội Nam tiến, tham gia chiến dịch Trị Thiên, biên chế ở Trung đội 1, Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.

Cựu chiến binh Hoàng Khắc Huệ kể lại những ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trên đường hành quân, khi ông chỉ huy đội hình xuất phát từ Nghĩa Đàn vượt qua Truông Phượng về Yên Thành thì dừng nghỉ một đêm để đi tiếp lên Nam Thanh, Nam Đàn (Nghệ An). 

"Khi đó tôi là Tiểu đội trưởng kiêm Trung đội phó, anh em trong đơn vị đều là đồng hương Thanh Chương cả. Đến Nam Thanh, tôi đang thu xếp mượn nhà dân để tối có chỗ nghỉ, lúc quay lại anh em rủ nhau về nhà hết. Tôi hoảng lắm, nghĩ rằng mình phải ra tòa án binh rồi...", ông kể. 

Thế nhưng, 15h50 cùng ngày, anh em lại có mặt đầy đủ, sẵn sàng hành quân đến địa điểm mới. Thì ra, do nhớ nhà nên mọi người tranh thủ về thăm gia đình.

Năm 1973, ông được cử đi học sỹ quan lục quân ở Sơn Tây, Hà Nội, sau đó trở lại đơn vị lên Trung đội trưởng. Tháng 4/1974, ông cùng đồng đội ở Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66 được giao nhiệm vụ cơ động vào tấn công tiêu diệt dịch trong quận lỵ Thượng Đức (miền Tây Quảng Nam). 

Trung đoàn 66 bắt đầu tham gia chiến đấu từ cuối tháng 7, sau 3 đợt tiến công, đến sáng 7/8, ta đã tiêu diệt và bắt toàn bộ lực lượng địch ở Thượng Đức, làm chủ hoàn toàn vùng giải phóng rộng lớn từ Thượng Đức đến vùng B Đại Lộc. Chiến thắng Thượng Đức ví như đã phá tan cánh cửa thép, mở ra thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Trên đà chiến thắng, tháng 3/1975 chúng ta giải phóng được Huế, Tây Nguyên, Quảng ngãi khiến địch phải rút về Đà Nẵng. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt sinh lực lớn của địch ở Đà Nẵng, giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược này. 

Tối 26/3/1975, Sư đoàn 304 được lệnh tiến công vào Đà Nẵng, riêng Trung đoàn 66 được giao đánh quận Ái Nghĩa. "Rạng sáng 29/3/1975, Tiểu đoàn 7 chúng tôi đánh chiếm được ngã ba nhà thờ, toàn bộ Sư đoàn tổng công kích trên tất cả các hướng. Đến 17h cùng ngày ta làm chủ Đà Nẵng. Toàn bộ 10 vạn quân bỏ chạy, lính tráng vứt máy móc, thiết bị, mặc cả quần xà lỏn rút chạy", Trung tá Hoàng Khắc Huệ nhớ lại.

"Thương em anh để trong lòng..."

Giải phóng Đà Nẵng xong, Sư đoàn 324 được giao nhiệm vụ bảo vệ các tỉnh dọc tuyến đường 1, từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng. Còn lại Sư đoàn 304 và Sư đoàn 325 cùng các đơn vị xe tăng 203, Lữ đoàn công binh 219, Lữ đoàn pháo binh 164 tiến vào đánh chiếm các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, vào Long Khánh (Đồng Nai). Sư đoàn 325 và Trung đoàn 1 của Sư đoàn 304; Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 66 phối hợp đánh trực tiếp căn cứ Nước Trong, Trường chỉ huy thiết giáp của địch.

"Địch không ngờ tới là ta có nhiều phương tiện cơ động. Ta giải phóng Ninh Thuận xong, địch cho rằng ta phải mất một tháng mới đến được Sài Gòn. Ngờ đâu chỉ trong vòng 2 ngày với nhiều phương tiện: xe của bộ đội Trường Sơn, xe đò của dân, như xe tải GMC, xe đốt chở bộ đội cùng hành quân nên tiến quân nhanh", Trung tá Hoàng Khắc Huệ cho hay. 

Đoàn quân thần tốc, hừng hực khí thế, hành quân xuyên ngày xuyên đêm vì thế mà khiến địch khiếp sợ. "Khi vào đến Sài Gòn thì địch vứt toàn bộ súng ống bỏ chạy, trong đó cơ bản là M79 và AR15 của Mỹ, đêm 30 Tết, người dân nô nức đổ ra đường phố hoan hô quân giải phóng...", ông hồi tưởng lại.

Trưa 30/4/1975, trong lúc một số chiến sỹ xe tăng và bộ binh cắm cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập thì Trung đoàn 66 cùng một số cán bộ, chiến sỹ của Quân đoàn 2 và biệt động Sài Gòn tiến vào phòng họp bắt tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Sài Gòn. 

Đồng thời áp giải Dương Văn Minh ra Đài phát thanh đọc bản tuyên bố "Xin hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam". "Cảm xúc lúc đó khó tả lắm, vừa mừng vui hân hoan, vừa run run xúc động", ký ức về ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng vẫn vẹn nguyên trong ông.

Giải phóng xong, đơn vị được nghỉ ngơi 1 tháng, tập điều lệnh tại Tổng Kho Lâm Bình. Sau đó ông tiếp tục rong ruổi cùng Trung đoàn 66 nhận nhiệm vụ truy quét FULRO ở Tuyên Đức, Đà Lạt, Lâm Đồng; tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam và cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc... 

Đến năm 1980, ông được trở lại Đại học Vinh tiếp tục chương trình học còn dang dở. Tốt nghiệp ra trường, ông về công tác tại Trường văn hóa, Quân đoàn 2. Năm 1986 trường giải tán thì ông được phân công về làm Trưởng khoa giáo viên văn hóa của Trường quân sự, Quân đoàn 2 cho đến khi nghỉ hưu.

Có một điều đặc biệt là năm 1972, khi còn là Tiểu đội trưởng huấn luyện quân "đi B" thì ông đã gặp chiến sỹ nuôi quân Nguyễn Thị Liên, một cô gái nhanh nhẹn, đảm đang, tháo vát. Phải lòng "cô nuôi" từ những lần gặp gỡ ban đầu ở bếp ăn tập thể, Hoàng Khắc Huệ đã viết thư tỏ tình. 

"Tôi chép thơ Karl Marx gửi Jenny: "Thương em anh để trong lòng/ Như con sông nhỏ ngày đêm ấy/ Vẫn chảy trăm năm chẳng đổi dòng" gửi cho bà ấy thay lời tỏ tình, và bà ấy đồng ý, hẹn sẽ chờ tôi chiến đấu trở về", Trung tá Hoàng Khắc Huệ tâm sự. 

Vậy là sau giải phóng, mối tình đầu ấy đã đơm khoa kết trái, đến nay ông bà có 3 người con và 6 cháu nội, ngoại. Đặc biệt, từ khi nghỉ hưu, người cựu chiến binh năm nào vẫn tiếp tục cống hiến cho quê hương khi có 20 năm làm Bí thư chi bộ, Trưởng ban Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh khối Tân Tiến, phường Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An...

An Quỳnh
.
.
.