Hà Nội chưa có khu giết mổ mới:

Thị trường thịt lợn khó an toàn

Thứ Năm, 25/06/2009, 15:32
Liên tục kiểm tra và liên tục vi phạm. Đó là thực trạng đang diễn ra ở lò mổ Thịnh Liệt - lò mổ lớn nhất Hà Nội hiện nay (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Hà Nội đã có kiến nghị lên UBND TP Hà Nội hết năm 2009 sẽ đóng cửa lò mổ này. Tuy nhiên, việc đóng cửa lò mổ này trong khi Hà Nội vẫn chưa hoàn thành dây chuyền giết mổ công nghiệp là điều không thể dù chính Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thịnh, đơn vị quản lý trực tiếp lò mổ Thịnh Liệt đã không ít lần tự làm đơn xin đóng cửa.

Vi phạm liên tiếp

Trong báo cáo kiến nghị lên UBND TP Hà Nội của Sở TN-MT, lò giết mổ Thịnh Liệt bắt đầu hoạt động từ năm 2005, do HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thịnh quản lý trên diện tích hơn 7.100m2. Mỗi ngày, lò mổ này hoạt động 2 ca, trung bình giết mổ 1.500 con lợn. Tổng lượng nước thải lẫn phân gia súc và tạp chất không được xử lý xả thẳng ra sông Sét từ 100 - 120m3/ngày đêm. Mỗi lần kiểm tra đột xuất, Sở TN-MT và các đoàn liên ngành đều phát hiện những vi phạm vệ sinh môi trường và nhiều lần xử phạt hành chính, yêu cầu cơ sở có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trong thời gian hoạt động giết mổ tạm thời.

Theo ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, 3 năm liên tiếp, từ 2006- 2008, lò mổ này đều bị phạt hành chính tới 40 triệu đồng vì không đảm bảo vệ sinh môi trường. Mới đây nhất, ngày 23/5, lực lượng liên ngành TP gồm Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố, Chi cục Thú y và Trung tâm Quan trắc Sở TN-MT Hà Nội lại tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm. Các xe máy chở lợn đã giết mổ ở đây đều quá tải vì chở tới 4 - 5 con, lại không có thùng che chắn, trái với quy định của TP. Kết quả, các mẫu nước thải của lò mổ, sau khi đem phân tích đều vượt tiêu chuẩn môi trường nhiều lần...

Với những sai phạm trên, Sở TN-MT Hà Nội đã đề xuất phương án xử lý môi trường tạm thời đối với lò mổ. Cụ thể, yêu cầu lò mổ không giết mổ gia súc từ 13h đến 14h hằng ngày để giảm lượng xả thải. Sau ca giết mổ, chủ cơ sở phải tập trung dọn dẹp chất thải, phun thuốc khử trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực. Cơ sở cũng phải hợp đồng với Công ty môi trường đô thị để thu gom, hút phân lợn, tạp chất trong bể vận chuyển để xử lý.

Xây bệ giết mổ mới theo yêu cầu của thành phố trước 30/7.

Đối với cống xả nước thải đang chảy trực tiếp vào sông Sét, Sở TN-MT Hà Nội yêu cầu chủ cơ sở phải dừng ngay và chuyển toàn bộ nước thải qua bể xử lý lắng đọng được xây bổ sung. Đồng thời, phải tăng cường xử lý hóa chất, chất khử sinh học tại bể cuối trước khi xả vào hồ (hiện có sát cơ sở).

Sở TN-MT Hà Nội yêu cầu các chủ lò mổ Thịnh Liệt phải hoàn thành các nội dung trên trước ngày 30/7. Ngoài ra, đơn vị phải xây dựng thêm 2 bể chứa chất thải lỏng để lắng đọng phân lợn và tạp chất (hiện tại chỉ có 1 bể lắng đọng, dung tích chưa đầy 2m3). Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất đối với lò mổ, giao cho Ban quản lý dự án Công viên Yên Sở. Do vậy, cơ sở này chỉ có thể tồn tại đến hết năm 2009.

Chủ lò mổ từng xin đóng cửa nhiều lần

Điều đáng ngạc nhiên là chính Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thịnh, ông Bùi Văn Toàn cũng đã nhiều lần làm đơn kiến nghị xin được đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt. Trao đổi với chúng tôi, ông Toàn cho biết, ngay từ khi mới xây dựng lò mổ gia súc năm 1998, UBND TP Hà Nội chỉ đồng ý để lò mổ hoạt động đến năm 2005. Theo quyết định của TP, lò mổ Thịnh Liệt chỉ là tạm thời nên có muốn đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Pháp lệnh thú y cũng không được đồng ý. Vì vậy, lần nào đi kiểm tra, là lò mổ Thịnh Liệt lại có vi phạm vì không được đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải...

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là theo kế hoạch, đến năm 2010, Hà Nội sẽ hoàn thành dây chuyền giết mổ tự động và các lò mổ thủ công sẽ bị đóng cửa. Nhưng đến thời điểm này, gần như kế hoạch xây dựng này vẫn nằm trên giấy. Vì vậy, nếu đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt, hàng chục hộ kinh doanh giết mổ gia súc sẽ lại phân tán, vào nhà dân thuê mổ "chui", khó hiểm soát hơn cả về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, trước những bất cập trong việc để tiếp tục tồn tại hay cho đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt, nếu chưa thể hoàn thành dây chuyền giết mổ tập trung hiện đại thì vẫn nên để lò mổ Thịnh Liệt tồn tại. Bởi đây là lò mổ cung cấp tới 60% lượng thực phẩm từ thịt lợn, trâu, bò cho Hà Nội. Được biết, UBND TP Hà Nội đã đồng ý cấp kinh phí trên 1 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo lò mổ này, khắc phục phần nào ô nhiễm môi trường và vệ sinh thú y

Ngọc Yên
.
.
.