Thí điểm đơn vị ngoài nhà nước cung cấp dịch vụ công

Thứ Sáu, 19/03/2021, 08:42
Chiều 18/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc theo hình thức trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện cải cách hành chính thời gian qua, nhưng cũng nêu một số tồn tại, trong đó, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong cung cấp dịch vụ hành chính. Do đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu một số mô hình mới gắn với tinh giản biên chế, tăng cường thí điểm chuyển giao dịch vụ công hiện nay cho các đơn vị ngoài nhà nước nếu các đơn vị này đáp ứng được yêu cầu.

Theo báo cáo tại hội nghị, sau 10 năm triển khai Chương trình, thể chế của nền hành chính, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân được hoàn thiện, củng cố và được triển khai có hiệu quả trên thực tế. Từ năm 2012 đến nay, tổng số văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ đã ban hành là hơn 8.600 văn bản. Các tỉnh, thành phố đã ban hành khoảng 386.000 văn bản quy phạm pháp luật.

Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11/2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, cắt giảm 63% trong tổng số gần 6.200 điều kiện kinh doanh, 68% trong tổng số gần 10.000 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Tính toán cho thấy, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.

Sau khi các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 10 năm qua, kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đẩy mạnh thực hiện 4 đợt cải cách lớn là” cải cách giáo dục, cải cách tiền lương, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Trong đó, việc cải cách hành chính liên quan đến con người nên càng phức tạp hơn, gồm có cải cách bộ máy, đội ngũ, hành chính công…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng đánh giá, cải cách hành chính đạt kết quả nhiều mặt trong 10 năm qua, góp phần vào những thành công của đất nước trên mọi lĩnh vực. Với quốc tế, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng các chỉ số thuộc nhóm tốt nhất toàn cầu. Trong đó, Chính phủ điện tử năm 2020 Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia, duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được đẩy mạnh, khắc phục cơ bản tồn tại của giai đoạn trước, trong đó đã giảm đầu mối cơ quan và phân rõ chức năng trung ương, địa phương. Việc xây dựng Chính phủ điện tử đã làm thay đổi lề lối, phương thức làm việc theo hướng hiện đại. Đặc biệt, đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đạt 31%, một số bộ, ngành đạt 100%.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại, như còn tình trạng kêu ca của người dân và doanh nghiệp về việc cán bộ cơ quan hành chính gây khó khăn, chậm trễ, “đá bóng” qua lại giữa các cơ quan. Thậm chí, còn tình trạng vòi vĩnh, đòi hối lộ của một số cán bộ. Dù đã giảm biên chế trong bộ máy hành chính, nhưng tổng thể vẫn còn cồng kềnh. Việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước còn lãng phí…

Trước thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại, hướng về người dân, bởi muốn phát triển tốt hơn thì phải có một quyết tâm chính trị cải cách hành chính.

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về cải cách hành chính, Thủ tướng nhấn mạnh phải làm quyết liệt, đồng bộ; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, sớm báo cáo Chính phủ.

Trong các nội dung cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Điều rất quan trọng trong cải cách hành chính là hoàn thiện thể chế pháp luật, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế tổ chức hoạt động của nền hành chính nhà nước. Hệ thống luật pháp của chúng ta, nghị định của chúng ta đó là luật dễ hiểu, dễ vận dụng; một luật cố gắng không quá hai nghị định, một nghị định không quá 1 thông tư, và ban hành 1 văn bản thì hủy văn bản cũ. Đặc biệt, chúng tôi nhấn mạnh và lần này Chính phủ quyết tâm là không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật do Nghị định Chính phủ ban hành. Hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Tăng cường công khai minh bạch, tăng cường chống tham nhũng. Thể chế của chúng ta phải áp dụng tốt đa hiệu quả tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước”.

Chỉ đạo tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp và nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước, Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu một số mô hình mới gắn với thu gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế. Tăng cường thí điểm chuyển giao dịch vụ công mà đơn vị ngoài nhà nước có thể thực hiện, từ đó sơ kết và nhân rộng khi hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ cần nghiên cứu lại mô hình tổng cục với nhiều tầng nấc hiện nay, hoạt động chưa hiệu quả và nhấn mạnh, đổi mới hệ thống tổ chức quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trung lắp chức năng nhiệm vụ, rà soát chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang các công ty cổ phần, đơn vị tự chủ.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và hợp lý giữa trung ương và địa phương, gắn với quyền lợi và trách nhiệm, khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy tính tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao. 

PV (Theo VOV)
.
.
.