Thắt chặt tín dụng tạo hiệu ứng hai mặt

Thứ Tư, 21/10/2015, 07:58
Trong 2 năm 2014-2015, lạm phát thực tế thấp xa so với kế hoạch đã đề....

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ủy ban Kinh tế thẩm tra báo cáo Chính phủ thấy rằng, trong công tác dự báo và điều hành chỉ tiêu lạm phát còn nhiều ý kiến khác nhau, trong 2 năm 2014-2015, lạm phát thực tế thấp xa so với kế hoạch đề ra cho thấy mặt tích cực củng cố thêm đối với kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, tạo lòng tin vào đồng tiền Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn. Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc cân đối NSNN còn khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu.

Bội chi NSNN nước dự kiến là 5% GDP không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ). Có ý kiến cho rằng chưa khắc phục được việc sử dụng một phần bội chi NSNN cho chi thường xuyên và trả nợ. Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 và áp lực nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh; kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

Việc thực hiện một số chính sách mới như gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30 nghìn tỷ đồng đã có chuyển biến nhưng dư nợ cho vay vẫn rất thấp. Kết quả thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản là thấp xa so với nhu cầu chính đáng của ngư dân, chưa đáp ứng và góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo như mong muốn của nhân dân.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 dự kiến chỉ đạt 5,88%/năm thấp hơn giai đoạn trước và không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, với việc ra đời của Hiến pháp 2013, nhiều đạo luật được ban hành mới và sửa đổi, bổ sung, chất lượng được nâng cao, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia; theo xếp hạng về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam từng bước được cải thiện, năm 2015 xếp hạng 56 tăng 12 bậc so với năm 2014 (hạng 68).

PV
.
.
.