Tháo gỡ ách tắc cho cảng biển

Thứ Năm, 30/05/2019, 08:27
Ngày 29-5, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kinh tế vùng trọng điểm nhìn từ hệ thống cảng biển”. Tham dự buổi tọa đàm có các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý…


Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển hệ thống cảng biển với vùng biển rộng lớn, diện tích hơn 1 triệu km2, đường bờ biển dài trên 3.200km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ nằm trải dọc theo chiều dài đất nước. Nghị quyết 09-NQ/TW về chiến lược biển Việt Nam xác định, đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đánh giá, ngoài vị trí địa lý nằm cạnh đường thông thương quốc tế, nước ta còn có nhiều cửa sông, vịnh kín gió có thể xây dựng cảng biển mà không phải đầu tư quá lớn để làm để chắn sóng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nhìn thấy lợi thế đó khi phát triển cảng biển tại Việt Nam. Nước ta còn có thị trường gần 100 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cùng với tăng trưởng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển.

Ngoài ra, phát triển cảng biển cũng tạo cơ sở cho hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp đi kèm. Đến nay, cả nước đã hình thành được một hệ thống gồm 45 cảng biển, một số cảng cạn (IDC) và trung tâm logistic lớn. Hằng năm hệ thống cảng biển Việt Nam thông quan đến 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước…

Còn TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, nếu giảm được chi phí logistic thì tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn. Hiện nay, chi phí logistic chiếm khoảng 15% GDP, nếu giảm xuống 10% thì có thêm dư địa cho tăng trưởng kinh tế. TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ quan điểm, phải giải tỏa được ách tắc ở hai vùng kinh tế trọng điểm tại hai đầu đất nước. Đây là cơ hội phát triển ngành cảng biển, cũng là điểm nghẽn cần tháo gỡ cho nền kinh tế.

Ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện nay, nước ta có 75km chiều dài cầu cảng, gần gấp đôi năm 2000. Trước đây chỉ đón tàu 2-3 vạn tấn nhưng đến nay đã đón được tàu 194 nghìn tấn, tàu chở hơn 18 nghìn TEU (container tiêu chuẩn)  vào cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Từ năm 2000 đến nay, tăng trưởng lượng hàng hóa qua cảng biển bình quân 11,1%/năm, trong đó vận tải container 14,4%/năm. Năm 2000, lượng hàng hóa qua cảng biển chỉ 73 triệu tấn, đến năm 2018 đã 525 triệu tấn…

Bên cạnh đó, đã có hai cảng đón tàu chở khách ở Hạ Long (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang), đã đón được tàu tốp 5 thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam xứng tầm vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, sự kết nối giữa các loại hình vận tải đa phương thức như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa vẫn còn những bất cập; quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, hạ tầng, dân cư đô thị, lao động... chưa có sự đồng bộ. Các đại biểu tham gia tọa đàm cũng đưa ra nhiều giải pháp tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển thực sự là động lực phục vụ phát triển kinh tế vùng trọng điểm.
Nguyễn Hương
.
.
.