Thận trọng trong các quy định về tổ chức phi chính phủ

Thứ Bảy, 10/09/2016, 08:13
Sáng 9-9, các đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật về Hội. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định: Mỗi năm có khoảng 400 triệu USD đổ vào Việt Nam từ hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, phi chính trị nhưng hiện chỉ được quản lý bằng một Nghị định của Chính phủ.


Giải trình thêm về những câu hỏi đặt ra của các đại biểu trong phiên thảo luận chiều 8-9, đặc biệt là việc làm rõ mục tiêu xây dựng luật là gì, đại diện cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Khắc Định cho biết: Mục tiêu xây dựng dự án luật này vừa nhằm tạo điều kiện thực hiện quyền lập Hội đã được Hiến định, vừa tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước với hoạt động của Hội.

Về đòi hỏi định nghĩa rõ hơn khái niệm Hội, và “Hội” có phải là tổ chức phi chính phủ hay không, ông Định cho rằng tổ chức phi chính phủ là khái niệm rộng hơn khái niệm hội. Đây cũng là quan điểm của một số đại biểu đã phát biểu trước, cho rằng tổ chức phi chính phủ bao gồm hội và quỹ, nếu để định nghĩa hội bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ là quy định ngược. 

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã cho rằng dự thảo luật “không đưa ra được một khái niệm rõ ràng thế nào là hội và không dám khẳng định hội là tổ chức phi chính phủ, nên dẫn đến cách hiểu mù mờ và rất khó điều chỉnh, kể cả khi luật đã ra đời”.

Ông Nguyễn Khắc Định cũng cho biết thêm: Tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận thành lập ở nước ngoài vào Việt Nam hoạt động theo dự án, thường là trong thời gian ngắn, từ vài tháng đến vài năm. Mỗi năm, một nguồn tiền khoảng 400 triệu USD đổ vào Việt Nam từ hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, phi chính trị như thế này, nhưng chỉ được quản lý bằng một Nghị định của Chính phủ. Đưa nội dung này vào luật về Hội, ban soạn thảo luật chỉ đặt vấn đề quản lý trong quá trình hoạt động trong nước vì toàn bộ khâu thành lập, vận động quỹ, điều hành quỹ… đều được thực hiện ở nước ngoài. 

Khẳng định đã dành thời gian cùng Ban soạn thảo nhiều ngày liền làm ngày làm đêm để "đúc" ra được 43 điều của dự thảo luật về Hội, ông Nguyễn Khắc Định “cũng mong muốn sau này có thể có văn bản luật điều chỉnh toàn diện hơn đối với loại tổ chức này, nhưng cần có thời gian và điều kiện để nghiên cứu sâu hơn, hiện tại không thể cầu toàn được”.

Bàn thêm về việc điều chỉnh thế nào với hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, các Hội do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, trước mắt, dự thảo luật này chỉ nên tập trung quy định về việc thành lập Hội của tổ chức, cá nhân trong nước.

Theo ông Hiểu, việc các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, người nước ngoài lập Hội nên để lại sau, nghiên cứu thêm rồi xây dựng pháp lệnh. Đây là vấn đề phức tạp, có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro chính trị chưa lường hết được, trong khi ý kiến về vấn đề này đang rất khác nhau. 

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cũng băn khoăn về việc quy định về thủ tục đăng ký, cấp phép, hoạt động của các hội giống nhau, không phân biệt Hội có tính chất truyền thống, quen thuộc với hội mới thành lập. Một số ý kiến khác tại hội nghị góp ý về cách thức phân loại Hội để từ đó có chính sách phù hợp tương ứng. 

Nhiều ý kiến ủng hộ phương án phân thành hai loại: Hội có tư cách pháp nhân, chia thành 2 nhóm nhỏ hơn là tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức phi chính phủ và Hội không có tư cách pháp nhân, không cần phải đăng ký (người tham gia phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật).

Vũ Hân
.
.
.