Thận trọng khi sáp nhập Sở Giáo dục và Đào tạo với sở, ngành khác

Thứ Ba, 05/06/2018, 08:35
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại các địa phương sẽ không nằm trong nhóm 1, tức là nhóm các sở bắt buộc tỉnh nào cũng phải có.

Mặc dù mới là dự thảo song nhiều ý kiến lo lắng rằng, nếu Sở GD&ĐT không còn tồn tại độc lập như cũ mà có thể sẽ bị sáp nhập hoặc hợp nhất với các sở, ngành khác sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức cũng như chất lượng giáo dục tại các địa phương.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

PV: Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Nội vụ đang xây dựng, Sở GD&ĐT tại các địa phương có thể sẽ bị hợp nhất, sáp nhập với sở, ngành khác. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS Phạm Tất Thắng: Khi nghe được thông tin này chúng tôi cũng thấy buồn dù đây mới chỉ là dự định, mới chỉ là dự thảo. Thực tiễn cho thấy, chúng ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đây là chủ trương nhất quán, được thể chế hóa trong luật và hiến pháp.

Đặc biệt, chủ trương này cũng đã trở thành yêu cầu thực tiễn bởi trách nhiệm của giáo dục là tạo ra vì sản phẩm đặc thù, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, thế hệ lao động trong tương lai. Vai trò quốc sách còn được thể hiện ở chỗ ngành giáo dục và khoa học công nghệ là hai lĩnh vực duy nhất được quy định tỷ lệ chi ngân sách thường xuyên trong ngân sách quốc gia.

Hoạt động giáo dục cũng liên quan đến ¼ dân số với 20 triệu học sinh, sinh viên và hàng triệu giáo viên đứng trên bục giảng với 1/5 chi phí ngân sách quốc gia... với nhiệm vụ phải tạo ra một thế hệ công dân có thể đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong tương lai. Nếu coi nhẹ tổ chức quản lý và thiếu cơ quan quản lý chuyên trách, chuyên biệt về giáo dục thì sự phối kết hợp, chỉ đạo sẽ không nhất quán. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tổ chức hoạt động và kết quả giáo dục.

Việc xóa bỏ Sở GD&ĐT với tư cách là một sở, ngành độc lập sẽ mâu thuẫn với việc Đảng và Nhà nước xem giáo dục là một trong ba trụ cột trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

PV: Ngành Giáo dục hiện đang chịu trách nhiệm chính về hoạt động chuyên môn và chất lượng giáo dục chung. Tuy nhiên, hai yếu tố quan trọng chi phối hoạt động chuyên môn và quyết định chất lượng giáo dục là tuyển dụng giáo viên và cơ sở vật chất thì ngành Giáo dục dường như lại không được “mó tay vào”. Sự phân cấp này liệu có hợp lý không, thưa ông?

TS Phạm Tất Thắng: Đây rõ ràng là một bất cập thực tế. Hiện đang có sự phân cấp quản lý trong lĩnh vực giáo dục. Từ trường THCS trở xuống giao cho UBND các quận, huyện cả về con người lẫn cơ sở vật chất. Ngành Giáo dục chỉ quản về chuyên môn theo ngành dọc. Điều này dẫn đến hệ quả ngành Giáo dục dù quản lý về mặt chuyên môn nhưng lại không được chủ động trong việc tổ chức hoạt động chuyên môn. Chúng tôi cho rằng, bất cập này cần sớm được nghiên cứu để có sự phân cấp quản lý phù hợp hơn.

PV: Có một thực tế đáng buồn là từ đầu năm đến nay, trong môi trường học đường đã liên tục xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc khiến xã hội lo lắng, hoang mang. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để trường học trở về đúng nghĩa là thân thiện và an toàn?

TS Phạm Tất Thắng: Nếu xâu chuỗi tất cả những hiện tượng tạm gọi là bạo lực học đường, tiêu cực trong nhà trường thời gian qua cho thấy, dường như văn hóa ứng xử trong học đường đang có những biểu hiện lệch lạc, xuống cấp. Chúng ta không có lựa chọn nào khác là phải nhận diện từng sự việc cụ thể để truy tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp.

Một trong những giải pháp cần hướng đến là có thể lấy cái tốt để lấn át cái tiêu cực, đồng thời tăng cường định hướng tuyên truyền, thông tin cho học sinh, thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh, học sinh cần ứng xử thế nào cho hợp lý. Bên cạnh đó, cán bộ trường học cũng phải phối hợp với địa phương để đảm bảo môi trường an toàn, thân thiện. Đội ngũ quản lý giáo dục cũng cần được lựa chọn tốt hơn, ngoài kiến thức văn hóa, cũng cần chú trọng đến cả phương pháp, kỹ năng xử lý tình huống thực tế.

Đặc biệt, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội đối với giáo dục, sự quan tâm, ứng xử đúng mực của các chủ thể tham gia bởi giáo dục rõ ràng không phải là câu chuyện của riêng nhà trường, của gia đình mà giáo dục là kết quả tổng hòa của các chủ thể liên quan từ gia đình, nhà trường đến toàn xã hội.

PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, những hiện tượng “lệch chuẩn” trong nhà trường thời gian qua là lời cảnh báo lỗi hệ thống chứ không còn là hiện tượng riêng lẻ?

TS Phạm Tất Thắng: Trong hệ thống trường học hiện nay đúng là có hiện tượng chưa coi trọng đúng mức giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử và kỹ năng xử lý tình huống. Đào tạo cho giáo sinh của các trường sư phạm cũng có phần chưa chú trọng tới các kỹ năng này.

Tuy nhiên, nói hiện tượng “lệch chuẩn” đang lan rộng thành xu thế là chưa chính xác. Hệ thống giáo dục có hàng triệu giáo viên, học sinh nên các hiện tượng trên chỉ là cá biệt, là con “sâu làm rầu nồi canh”. Ngành Giáo dục phải có trách nhiệm chính trong câu chuyện này nhưng đỗ hết cho ngành Giáo dục là không đúng.

PV: Trước những “sự cố” xảy ra trong môi trường giáo dục thời gian qua, có ý kiến cho rằng, không chỉ môi trường học đường không còn an toàn mà nghề giáo cũng đang có nguy cơ trở thành “nghề nguy hiểm”?

TS Phạm Tất Thắng: Mỗi nghề có đặc thù riêng và nghề nào cũng có những yếu tố nguy hiểm nhất định, song với một đất nước giàu truyền thống hiếu học và tôn sư trọng thì lo lắng trên cho thấy đang tiềm ẩn những yếu tố bất bình thường. Lý do là môi trường trường học vốn được xem an toàn, thân thiện nhưng nay dường như không còn tuyệt đối an toàn nữa.

Tất nhiên, nếu nhìn một cách toàn diện, hệ thống giáo dục của chúng ta hiện tương đối tốt, có nhiều đóng góp. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn có những mặt trái. Một trong những việc cần  làm ngay là củng cố lại quan hệ thầy trò, môi trường giáo dục phù hợp với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc.

PV: Nhiều học sinh cho rằng, hiện nay các em đang chịu rất nhiều áp lực điểm số và thành tích từ cả phía gia đình và nhà trường. Hệ quả là đã có những trường hợp do không chịu được áp lực, có em đã tìm đến những giải pháp tiêu cực, đau lòng. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?

TS. Phạm Tất Thắng: Truyền thống hiếu học của chúng ta ảnh hưởng nhiều từ nền Nho học, trong đó xem việc học, thi cử, đỗ đạt là quan trọng, tạo nên truyền thống chung của xã hội là quan tâm đến thành tích của cá nhân, gia đình, dòng họ trong học tập...

Và trên thực tế, truyền thống này hiện vẫn đeo đẳng, thể hiện rõ bằng việc chúng ta vẫn còn coi trọng quá mức điểm số và bằng cấp. Phụ huynh dường như vẫn lập trình sẵn đường đi cho con mình là học hết THCS thì vào THPT, xong THPT thì vào đại học. Xã hội tạo áp lực cho các gia đình, cho bố mẹ và phụ huynh tạo áp lực cho con phải học, phải có kết quả tốt để đi theo con đường học vấn. Tôi cho rằng, cần phải thay đổi mạnh mẽ nhận thức trong toàn xã hội, đặc biệt là phụ huynh rằng học vấn không phải là con đường duy nhất.

Có rất nhiều con đường khác nhau để các em đi. Ví dụ, học hết bậc THCS, học sinh không nhất thiết phải lên THPT rồi vào đại học mà có thể học nghề để gia nhập vào thị trường lao động sớm. Xã hội cũng phải thay đổi cách nhìn nhận, người thợ lành nghề cũng có thể có thu nhập, vị trí xã hội không kém gì so với cử nhân, kỹ sư.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.