Thái bình tu trí lực

Thứ Ba, 19/08/2014, 10:38
Với truyền thống dân tộc yêu nước nồng nàn và khát vọng gìn giữ hòa bình được hun đúc, tôi luyện qua các thăng trầm lịch sử, với lực lượng vũ trang được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ như mục tiêu, yêu cầu Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt ra, ấy là nhiệm vụ mà chúng ta đang kế tục ý chí ông cha “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” từ ngàn xưa vậy.

Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (1241 - 1294) chiêm nghiệm trong “Tụng giá hoàn kinh sư”: “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” (Thái bình rồi nên dốc sức lực, muôn đời vẫn có non sông này). Nền thái bình của dân tộc vốn trải qua bao mất mát, hy sinh suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, gắn với những cuộc chiến chinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, giữ yên bờ cõi, điều ấy càng hun đúc khát vọng hòa bình, độc lập mà ráng sức gìn giữ. Nhưng một quy luật tất yếu, muốn thái bình phải “tu trí lực”, ấy là gắng sức dựng xây cả về nền tảng kinh tế, vật chất, cũng như củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân gắn với sức mạnh quốc phòng, an ninh. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đương thời tâm niệm trước Đức vua Trần Anh Tông: “Nay lúc bình thời, phải khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ, bền gốc. Ấy là thượng sách để giữ nước”. Ngày nay, hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có nền tảng kế tục từ truyền thống ấy.

Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng khóa XI ban hành “Nghị quyết về việc thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Trung ương Đảng đánh giá, hơn 10 năm đầu thế kỷ XXI, việc thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc luôn đặt trong sự gắn kết với bối cảnh đa dạng, phức tạp, nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức của tình hình quốc tế và trong nước; được vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp, đáp ứng những yêu cầu cơ bản của thực tiễn. Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng nền quốc phòng toàn dân; tăng cường thế trận quốc phòng và an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ trên các địa bàn chiến lược đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Các lực lượng vũ trang được xây dựng theo hướng tinh gọn, sức cơ động và chiến đấu cao. Các lực lượng vũ trang đã thể hiện cao tinh thần trung thành với Tổ quốc, với Đảng, giữ vững vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc và trật tự xã hội...

Thế giới dù có những biến chuyển lớn nhưng xu thế hòa bình, đối thoại vẫn là dòng chảy lịch sử; cùng với đó, các mâu thuẫn, xung đột vùng, lãnh thổ, các vấn đề sắc tộc, tôn giáo, khủng bố... vẫn là thách thức của thời đại, đe dọa an ninh toàn cầu. Những diễn biến ở biển Đông liên quan chủ quyền biển đảo cho thấy các nguy cơ gây mất ổn định ở khu vực còn tiềm ẩn phức tạp. Trong nước, vấn đề “tự diễn biến” trong tư tưởng, tâm lý xã hội nảy sinh nhiều phức tạp mới, trong khi các thế lực thù địch tăng cường chống phá sự nghiệp đổi mới của đất nước với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. Yêu cầu được khẳng định nhất quán là trong bất kỳ tình huống nào, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đều quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Kiên trì phương châm tôn trọng hòa bình, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia, vùng lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nước ngoài; giải quyết tranh chấp bằng hòa bình. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, xử lý theo luật pháp những đối tượng cố tình chống phá sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân Thủ đô Hà Nội (12/1956). Ảnh tư liệu.

Dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là quy luật có ý nghĩa sống còn và phát triển trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc ta. Luận thuyết và thực tiễn các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập chủ quyền ở Việt Nam cũng chứng minh rõ, yếu tố quyết định sự thành bại trong mọi cuộc chiến là ở sức mạnh nhân dân với đường lối, chiến thuật đúng đắn. Khí tài quân sự giữ vai trò quan trọng nhưng không có ý nghĩa quyết định. Là một quốc gia chịu nhiều đau thương, mất mát của các cuộc chiến tranh xâm lược, chúng ta khao khát, chúng ta mong muốn hòa bình, độc lập nhưng thực tiễn lịch sử trường tồn, phát triển của dân tộc cũng chỉ rõ rằng, nền hòa bình, độc lập ấy chỉ có được khi chúng ta biết dựng xây sức mạnh có ý nghĩa cốt lõi từ quần chúng nhân dân, gắn với việc củng cố sức mạnh quốc phòng, an ninh.

Điều này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh tại Lễ thượng cờ tàu ngầm đầu tháng 4 vừa rồi: “Hòa bình không thể chỉ khát khao mong muốn mà có. Chúng ta phải mạnh lên về mọi mặt - cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại - với khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, keo sơn. Chỉ có như vậy, chúng ta mới giữ vững được hòa bình, mới bảo vệ được vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”. Bởi vậy, cùng với phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội, Nhà nước tập trung sức lực xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt trong bảo đảm hòa bình, trong phòng thủ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Còn tại diễn đàn đối thoại Shangri-La 2013 (Singapore), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu nhấn mạnh vai trò của niềm tin chiến lược giữa các quốc gia. Thủ tướng chỉ rõ, những thách thức và nguy cơ xung đột là không thể xem thường, song “mọi người chúng ta đều hiểu, nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột quân sự, nhìn tổng thể thì sẽ không có kẻ thắng người thua - mà tất cả cùng thua. Vì vậy, cần khẳng định rằng, cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta”.

Luật Công an nhân dân quy định rõ: “Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Đảng tiếp tục xác định nhiệm vụ củng cố nền quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng lực lượng Công an, Quân đội chính quy, hiện đại, tinh gọn, cơ động, sức chiến đấu cao.

Với truyền thống dân tộc yêu nước nồng nàn và khát vọng gìn giữ hòa bình được hun đúc, tôi luyện qua các thăng trầm lịch sử, với lực lượng vũ trang được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ như mục tiêu, yêu cầu Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt ra, ấy là nhiệm vụ mà chúng ta đang kế tục ý chí ông cha “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” từ ngàn xưa vậy

Đăng Minh
.
.
.