Tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài tới Việt Nam du lịch, đầu tư

Thứ Năm, 14/11/2019, 12:05
Các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời đóng góp ý kiến để dự thảo luật hoàn chỉnh hơn.


Dự thảo luật thể hiện quyết tâm cải cách hành chính

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp 8, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội sáng nay (14-11) thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Cơ bản các đại biểu bày tỏ tán thành với dự thảo luật và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội.

Đại biểu Lê Anh Tuấn đoàn Hà Tĩnh cho biết đa số cử tri và người nước ngoài gần đây đánh giá rất cao công tác thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài. Việc vấn đề này được thể chế hoá, đưa vào dự thảo luật lần này là rất quan trọng, thể hiện sự đổi mới, cải cách hành chính của Việt Nam.

Đại biểu Lê Tuấn Anh phát biểu trước Quốc hội.

Đồng tình với ý kiến của ông Tuấn, đại biểu Đôn Tuấn Phong đoàn An Giang cũng đánh giá dự thảo luật lần này đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất cần sửa đổi, bổ sung và được soạn thảo theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam. "Điều này là phù hợp với chính sách đối ngoại chung của nước ta", đại biểu nêu.

Tuy nhiên, cùng một số đại biểu khác, ông Phong cho rằng việc dự thảo luật có quy định khác nhau về cấp thị thực cho người nước ngoài đến Việt Nam bằng hình thức xin thị thực điện tử và xin thị thực truyền thống cần phải được cân nhắc, nhất là đối với đối tượng khách du lịch và nhà đầu tư sang thăm Việt Nam ngắn ngày.

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu đã nêu băn khoăn, góp ý về quy định đơn phương cấp thị thực có điều kiện đối với công dân một số nước, cho rằng cần có điều khoản yêu cầu các nước có hành động tương tự với công dân Việt Nam; các quy định về việc miễn thị thực cho người nước ngoài vào các khu kinh tế ven biển; quy định cho người nước ngoài vào khám, chữa bệnh tại Việt Nam...

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đoàn Bình Dương phát biểu.

Trước các ý kiến đại biểu cho rằng chúng ta chỉ nên miễn thị thực cho công dân các nước sẵn sàng miễn thị thực cho người Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đoàn Bình Dương, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, lại cho rằng quy định miễn thị thực và đơn phương miễn thị thực là vấn đề quốc gia.

Theo đại biểu, chúng ta đơn phương miễn thị thực cho công dân một số nước, chúng ta đã đề nghị họ làm như vậy với công dân của ta nhưng họ chưa đồng ý vì còn đó tình trạng người Việt đến và ở lại trái phép. Ông Hồng cho biết, trên cơ sở luật hoá việc cấp thị thực điện tử thì chúng ta cũng sẽ tiến đến giảm việc đơn phương miễn thị thực.

Trong khi đó, Đại biểu Bùi Mậu Quân, đoàn Hải Dương nêu, dự thảo luật lần này cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; nhiều thủ tục đã đạt đến mức độ cải cách hành chính cấp 3, cấp 4; phù hợp với chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư và du lịch nhưng cũng đồng thời đảm bảo được an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu Bùi Mậu Quân phát biểu.

Theo đại biểu Quân, đối với một số nước trong khu vực, luật của chúng ta thậm chí còn có nhiều điểm mới hơn, nhiều điểm thông thoáng hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế xã hội.

Đề cập số lượng khách nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh những năm gần đây, từ 10 triệu người năm 2015 lên con số gần 18 triệu dự kiến năm 2019, đại biểu khẳng định việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong cấp thị thực là một trong những yếu tố quan trọng.

Mọi thông tin về người nước ngoài được liên thông, kiểm soát

Cũng theo đại biểu Bùi Mậu Quân, khi cải cách hành chính, thiết lập chính sách thông thoáng hơn thì cũng sẽ có những phần tử tội phạm lợi dụng để hoạt động và thực tế cho thấy hoạt động của tội phạm người nước ngoài tại Việt Nam có dấu hiệu tăng thời gian gần đây. Tuy nhiên, Bộ Công an đã có những dự báo cụ thể về vấn đề này. Hơn nữa, Chính phủ đã có chỉ đạo và Bộ Công an có nhiều hành động cương quyết đấu tranh các hành vi phạm tội của người nước ngoài.

Ảnh minh hoạ

Ông Quân thông tin, thời gian gần đây, Bộ Công an đã bóc gỡ, triệt phá nhiều đường dây tội phạm do người nước ngoài cầm đầu về ma tuý, và công nghệ cao.

Trao đổi thêm với ý kiến của các địa biểu về sự phối hợp, liên thông thông tin giữa các bộ, giữa trung ương và địa phương, đại biểu Quân - Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an - khẳng định, hiện nay giữa Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng có sự kết nối rất tốt về mặt thông tin xuất cảnh, nhập cảnh của người nước ngoài.

Các hoạt động quản lý xuất, nhập cảnh bằng được bộ, đường biển của bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng); hoạt động cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cũng như cấp thị thực của các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) được liên thông chặt chẽ với cơ sở dữ liệu của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý công tác này ở 63 tỉnh, thành cả nước cũng được kết nối đường truyền với Cục Quản lý xuất nhập cảnh nên mọi thông tin về đối tượng xuất, nhập cảnh đều được chia sẻ để kiểm soát, từ đó ngăn chặn được những phần tử xấu.

Sẽ thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 8

Phát biểu giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được ban hành sẽ tiếp tục cụ thể hoá Hiến pháp 2013, luật hoá các chính sách về tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trong việc đón tiếp, làm việc với người nước ngoài đến Việt Nam.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu trước Quốc hội.

Việc ban hành luật cũng tạo điều kiện cho người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, tăng cường quản lý người nước ngoài đến Việt Nam theo hướng đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; phục vụ công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung luật cũng đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp, đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được xây dựng theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở thống nhất với thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ ngành, địa phương, ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Tô Lâm cảm ơn sự quan tâm và những ý kiến, đóng góp sâu sắc của các đại biểu Quốc hội với dự án luật khi thảo luận tại 19 tổ cũng như tại phiên thảo luận hội trường.

"Thời gian tới, chúng tôi mong các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục quan tâm, cho ý kiến với dự án luật. Ban soạn thảo sẽ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan liên quan để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo đúng chương trình", Bộ trưởng nêu.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung 20 nội dung, tập trung chủ yếu vào việc luật hoá thị thực điện tử mà đang được thực hiện theo chương trình thí điểm được Quốc hội thông qua; cùng một số quy định liên quan đến điều kiện nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm cải cách thủ tục hành chính, xử lý các vấn đề phát sinh...

"Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, uỷ ban thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung của dự án luật để trình Quốc hội thông qua theo chương trình kỳ họp", Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định.

Theo chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào chiều 25-11.
Quỳnh Vinh - Thiện Nhân
.
.
.