Tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc nhóm ngành đặc thù

Thứ Tư, 23/10/2019, 16:27
"Cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật...", ĐBQH Võ Đình Tín nói.

Thảo luận về quy định tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) ngày 23-10, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đồng tình với Phương án 1 do Chính phủ trình về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

ĐBQH Võ Đình Tín

Ông cũng thống nhất với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam là 3 tháng/năm và nữ là 4 tháng/năm, bảo đảm tính công khai, minh bạch ngay trong luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nghiên cứu việc tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng công chức thì tăng tất cả, viên chức nên tăng một bộ phận lớn, công nhân lao động tăng một bộ phận nhỏ và lao động nữ nên được nghỉ hưu ở tuổi 58 là phù hợp.

“Tôi cho rằng việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án trên là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28 ngày 23-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn”, ĐBQH Võ Đình Tín (Đăk Nông) phân tích.

Theo ông, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật... Giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý

ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, với những ngành nghề công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn cần được đánh giá, phân loại danh mục chi tiết các ngành nghề để quy định việc giảm tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cho phù hợp với thực tiễn sức khoẻ của người lao động và không giảm trừ lương hưu.

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải cân nhắc thận trọng, xem xét đến các yếu tố đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền và cần được thiết kế linh hoạt hơn, như các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và nhóm viên chức sự nghiệp giáo dục, y tế người làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn”, đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) lưu ý. Bà đề nghị những đối tượng này cần xem xét giữ nguyên như hiện hành và tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động thêm.

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) lại bày tỏ đồng thuận với phương án 2, không quy định lộ trình chung cho tất cả các nhóm đối tượng lao động. Tuy nhiên cần cân nhắc kỹ lưỡng và phải tính toán các yếu tố tác động đến người lao động cũng như thị trường lao động như: nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ hiện nay rất lớn, nguyện vọng của một số bộ phận người lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân công trực tiếp không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc trực tiếp sản xuất...

Nữ đại biểu cho rằng, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng sức khoẻ chưa tốt, mắc nhiều bệnh tật khi có tuổi, trong đó gánh nặng bệnh tật ghép, trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn vệ sinh lao động... chậm được cải thiện. Trên thực tế, đã có trường hợp nhiều người lao động xin nghỉ phép hằng năm, hàng tuần, trong tháng do sức khoẻ, bệnh tật.

“Đồng thời cũng cần quan tâm, cân nhắc đến một số ngành nghề đặc thù như: giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật”, ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến.


A.Quỳnh
.
.
.