Tăng giá cần phải đi đôi với chất lượng

Thứ Sáu, 05/04/2013, 21:56
Bắt đầu từ ngày 1/4, giá gói cước Internet không giới hạn MIU của MobiFone tăng lên 50.000 đồng/tháng, so với giá trước đó là 40.000 đồng/tháng. Cùng với việc tăng giá, các gói cước Internet của MobiFone cũng được tăng thêm 100 MB dung lượng, đạt 600 MB dung lượng miễn phí ở tốc độ cao 7,2Mbps.

Tương tự, nhà mạng Vinaphone cũng chính thức điều chỉnh giá gói cước internet không giới hạn MAX và MAXS cho sinh viên, học sinh thêm 10.000 đồng giống MobiFone. Với việc điều chỉnh này, gói cước internet không giới hạn trên di động của MobiFone và Vinaphone đã ngang ngửa với gói cước tương tự của Viettel là MiMAX .

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, cả ba “ông lớn” trong ngành viễn thông đã cùng “bắt tay” điều chỉnh gói cước Internet không giới hạn. Mặc dù mức điều chỉnh tăng không cao (khoảng 10.000 đồng), song việc cả 3 nhà mạng chiếm thị phần lớn nhất hiện nay cùng đồng loạt tăng giá khiến không ít người dùng cảm thấy bất ngờ, khó hiểu, thậm chí là bức xúc khi mà chất lượng dịch vụ không hoàn toàn đúng với những gì như các nhà mạng quảng cáo, nhất là tốc độ kết nối Internet không nhanh như thông số thực sự và đôi khi rơi vào tình trạng thiếu ổn định.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, việc tăng giá các gói cước Internet di động là động thái đã được dự đoán từ trước, đặc biệt là trong bối cảnh các nhà mạng đều kêu trời vì các dịch vụ nhắn tin hay gọi điện miễn phí qua Internet như Kakao Talk, WhatsApp hay Viber, Zalo… trên thực tế đã khiến cho doanh thu của họ mất hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Thêm nữa, giá cước 3G ở Việt Nam hiện khá thấp do các nhà mạng cạnh tranh nhau nên đã giảm mức giá xuống rất sâu. Trong khi đó, dịch vụ OTT phát triển, các nhà mạng đã bị ảnh hưởng nặng nề về doanh thu do phải đầu tư hạ tầng mạng lưới rất lớn.

Tại buổi làm việc giữa các DN viễn thông với lãnh đạo Bộ TT&TT vào cuối năm 2012, đại diện của VinaPhone, MobiFone và Viettel đều cho rằng, xu hướng các dịch vụ không giới hạn (OTT) như gọi điện thoại, nhắn tin di động miễn phí qua Internet tăng rất nhanh nên nhà mạng bị tác động giảm doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm. Mặc dù rất chia sẻ khó khăn của các nhà mạng nhưng lãnh đạo Bộ TT&TT đã không đồng tình với đề xuất chặn toàn bộ các ứng dụng vì điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng. Quan điểm của Bộ là không thể cấm toàn bộ hoặc để các dịch vụ này tự do phát triển mà phải tìm giải pháp đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của cả DN lẫn người dùng.

Trong khi chờ đợi phán quyết chính thức thức từ Bộ TT&TT, các nhà mạng đã tìm đến một giải pháp trước mắt và tạm thời. Đó là tăng giá cước các gói dịch vụ Internet di động được sử dụng rộng rãi, trong đó có gói cước dành cho học sinh - sinh viên để mong có thể bù vào phần doanh thu đã mất. Tuy nhiên, do đối tượng của các gói cước này chủ yếu là tầng lớp học sinh, sinh viên và chất lượng của các gói cước không giới hạn này luôn bị kêu ca là “kém” nên việc tăng giá, dù chỉ là 10.000 đồng/tháng chắc chắn cũng sẽ khiến cho đại đa số “thượng đế” này bức xúc. Bởi việc tăng giá cước trên thực tế không hề đi đôi với chất lượng mà chỉ là để bù đắp vào doanh thu cho doanh nghiệp

Huyền Thanh
.
.
.