Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ hội nhập quốc tế

Chủ Nhật, 18/08/2013, 22:01
Từ khi giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác xây dựng pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Cùng với các văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư các khóa đã có nhiều nghị quyết và chỉ thị về công tác xây dựng pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Nhà nước ban hành pháp luật; quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự;  trong 68 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã thường xuyên quan tâm công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, lực lượng Công an nhân dân đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tham mưu với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự, trong đó có nhiều luật, pháp lệnh quan trọng, như: Luật Phòng, chống ma túy năm 2000; Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001; Luật An ninh quốc gia năm 2004; Luật Công an nhân dân năm 2005; Luật Cư trú năm 2006; Luật Đặc xá năm 2007; Luật Thi hành án hình sự năm 2010; Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013; Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000; Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004; Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2004; Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia năm 2007; Pháp lệnh Công an xã năm 2008; Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2010... Đồng thời, tham gia xây dựng, góp phần ban hành nhiều luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Qua đó, từng bước hoàn thiện pháp luật về đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc cho tổ chức và hoạt động của lực lượng Công an nhân dân.

Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an ninh, trật tự đã được Bộ Công an quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Công an và nhân dân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo Khoa học 65 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy (2013). Ảnh: C.G

Lực lượng Công an nhân dân đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác, đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo môi trường xã hội ổn định, thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Đồng thời, tổ chức tốt công tác theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự; kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót của công tác xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật của Công an các đơn vị, địa phương để có biện pháp chấn chỉnh.

Nước ta đang bước vào thời kỳ chiến lược mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch vẫn ráo riết đẩy mạnh các hoạt động chống phá với nhiều phương thức, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, nhiệm vụ bảo đảm và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa càng có vai trò quan trọng và là đòi hỏi cấp thiết của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, lực lượng Công an nhân dân cần nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quy hoạch thể chế, chính sách, pháp luật ở tầm vĩ mô, gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng, thẩm định pháp luật về an ninh, trật tự với tổng kết thực tiễn, dự báo, phân tích, đánh giá khả năng phản ứng và tác động xã hội với các chính sách, pháp luật mới trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tiếp tục rà soát thể chế liên quan đến đảm bảo an ninh, trật tự để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nghiên cứu đề xuất xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới. Trong đó, tập trung thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ, của Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, như: Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật về tạm giữ, tạm giam; Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức, Luật Truy nã tội phạm; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường… Chủ động tổ chức thi hành có hiệu quả các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm đều bị phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh; mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Công tác điều tra, xử lý tội phạm đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý. Nắm bắt giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của nhân dân đối với hoạt động thi hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an; qua đó kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng việc thực thi pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; chân thành lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có giải pháp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an ninh, trật tự, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất của tăng cường pháp chế trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, vì pháp chế xã hội chủ nghĩa chỉ hình thành khi mọi người hiểu, tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật. Chú trọng lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật vào các chuyên mục, chương trình thu hút sự quan tâm của nhân dân, tập trung vào các lĩnh vực phòng, chống mua bán người; phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; bảo vệ bí mật nhà nước. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm.

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra, phân loại, đánh giá về số lượng, chất lượng tủ sách pháp luật của Công an các đơn vị, địa phương; bổ sung các loại sách pháp luật vào tủ sách, bảo đảm việc khai thác, nghiên cứu, học tập nâng cao nhận thức, áp dụng pháp luật của cán bộ, chiến sĩ được thuận lợi. Xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn lực lượng Công an nhân dân.

Phát huy vai trò của báo chí trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, phòng, chống tội phạm; thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp tuyên truyền phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011-2015 giữa Bộ Công an với các cơ quan thông tấn, báo chí. Kết hợp tuyên truyền trên hệ thống truyền thông toàn quốc và hệ thống truyền thông các địa phương; gắn kết truyền thông với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương.

Xác lập mô hình tổ chức pháp chế ở Công an đơn vị, địa phương theo hướng phân định rõ chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền, bám sát hoạt động của các đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm để kịp thời hướng dẫn áp dụng pháp luật đúng và thống nhất; kiện toàn bộ phận chuyên trách làm công tác tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về an ninh, trật tự, nghiên cứu cải cách hành chính, cải cách tư pháp ở đơn vị pháp chế Công an các cấp, gắn nhiệm vụ kiểm tra với thẩm quyền xử lý vi phạm. Phát huy vai trò của các nhà khoa học trong và ngoài ngành Công an trong việc nghiên cứu, tham gia ý kiến, thẩm định các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Có kế hoạch sử dụng hợp lý các nhà khoa học, cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động xây dựng pháp luật về an ninh, trật tự đã thôi giữ chức vụ, đã nghỉ hưu, nhưng còn khả năng đóng góp cho công tác pháp chế Công an nhân dân. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, giỏi về pháp luật, được rèn luyện trong thực tiễn chiến đấu, thực sự là lực lượng tham mưu chiến lược giúp Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đảm bảo an ninh, trật tự, cải cách tư pháp và các hoạt động khác có liên quan đến tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong Công an nhân dân.

Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn về xây dựng, thi hành pháp luật và tăng cường pháp chế, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên của Công an các đơn vị, địa phương; đồng thời, phát hiện những vấn đề mới về pháp luật do thực tiễn đặt ra để bổ sung vào hệ thống lý luận Công an nhân dân. Tập trung tổng kết công tác thi hành pháp luật trên các mặt công tác Công an, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, công tác chống oan, sai trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật... Chú trọng phát hiện những quy định của pháp luật về an ninh, trật tự không còn phù hợp thực tiễn, những vấn đề chưa thống nhất để làm rõ, điều chỉnh, bổ sung.

Chủ động nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm tốt về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật về an ninh, trật tự của các nước; rà soát và tiếp tục đề xuất gia nhập, ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế đa phương, các hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án với các nước, nhất là các nước có đông người Việt sinh sống, các nước có đặc điểm tương đồng về kinh tế, văn hóa, xã hội... Phối hợp hành động và hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm trong khuôn khổ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường hợp tác song phương với các nước láng giềng, khu vực và hợp tác đa phương về an ninh, trật tự.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đối với công tác xây dựng, thi hành pháp luật, cải cách tư pháp và pháp chế xã hội chủ nghĩa; tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ chiến lược cần tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật và tính khả thi của các quy định, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, không gây phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tích cực phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh với các tội phạm xảy ra, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng... Chỉ đạo điều tra giải quyết dứt điểm và chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án đưa ra truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội

.
.
.