Tán thành số lượng, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV ở Trung ương

Thứ Ba, 16/02/2016, 18:51
Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV diễn ra sáng 16-2, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam khóa VIII cơ bản đồng tình số lượng, thành phần ĐBQH ở Trung ương là 198.


Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của MTTQ là giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử qua các bước hiệp thương theo luật định.

Đây là khâu quan trọng để Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH. Ủy ban bầu cử các cấp và địa phương lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND cùng cấp, vừa đảm bảo số lượng, chất lượng vừa thể hiện đúng cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để có danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử, Mặt trận thực hiện 3 lần hiệp thương. Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất được tiến hành để hiệp thương thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH trên cơ sở dự kiến của UBTV Quốc hội.

Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết, Nghị quyết 1140/2016/UBTVQH13 đã dự kiến số lượng ĐBQH khóa XIV ở Trung ương là 198 đại biểu, bằng 39,6%. Trong đó, cơ cấu, thành phần được dự kiến phân bổ là: các cơ quan Đảng 11 đại biểu; cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; các cơ quan của Quốc hội (ĐBQH chuyên trách ở Trung ương) 114 đại biểu, trong đó dự kiến khoảng 20% đại biểu là phụ nữ và khoảng 10% đại biểu là người dân tộc thiểu số; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18 đại biểu, phấn đấu có đại biểu là phụ nữ và đại biểu là người dân tộc thiểu số. Bộ Quốc phòng (gồm Bộ trưởng và các quân khu, quân chủng) 15 đại biểu, phấn đấu có đại biểu là người dân tộc thiểu số; Bộ Công an 3 đại biểu.

Tòa án nhân dân tối cao 1 đại biểu; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 1 đại biểu; Kiểm toán Nhà nước 1 đại biểu; MTTQ và các tổ chức thành viên 31 đại biểu, trong đó có đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), đại biểu tôn giáo, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tái cử và nhân sỹ trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu.

“Theo Nghị quyết này, ĐBQH khóa XIV ở Trung ương tăng 15 người so với khóa XIII (khóa XIII là 183 ĐB). Số tăng này đều là ĐBQH chuyên trách để góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội” – đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết. Trong khi đó, số lượng ĐBQH ở các cơ quan Đảng, cơ quan Chủ tịch nước, Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, MTTQ và các tổ chức thành viên không thay đổi so với khóa XIII.

Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đến Hội đồng bầu cử quốc gia và UBTV Quốc hội. Sau khi nhận được văn bản điều chỉnh lần thứ nhất của UBTV Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ có văn bản thông báo đến các cơ quan, đơn vị Trung ương để tiến hành giới thiệu người ứng cử trong thời gian từ 24-2 đến 10-3.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là dịp để tiếp tục củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Trong đó, công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là khâu trọng tâm, mấu chốt nhất của cuộc bầu cử. 

Công tác nhân sự phải bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có tỷ lệ hợp lý các đại biểu đại diện cho các ngành, các cấp, các vùng miền, dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định…

Nguyễn Thành
.
.
.