Trên diễn đàn kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XII

Tâm huyết và trách nhiệm

Thứ Năm, 11/11/2010, 11:39
Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XII khai mạc ngày 20/10/2010, đã gần đi hết nửa lịch trình làm việc của mình. Theo đánh giá chung, trong kỳ họp lần này, ngay từ những phút đầu tiên, hoạt động của Quốc hội nói chung cũng như các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu nói riêng đã thể hiện rõ một tinh thần dân chủ thực sự cũng như ý thức trách nhiệm cao. Tuy nhiên, không phải không có những điều cần bàn thêm về cách trình bày ý kiến còn chưa thỏa đáng của một số đại biểu, khiến dư luận không thể hài lòng.

Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XII dự kiến sẽ được tiến hành trong 32 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) với tổng thời gian gần một tháng rưỡi, nhiều hơn so với kỳ họp trước (chỉ làm việc 26 ngày). Cũng theo dự kiến, kỳ họp này có 46 phiên họp toàn thể; 13 phiên họp được truyền hình trực tiếp, chiếm 28% thời lượng các phiên họp toàn thể; 16 phiên họp tổ (kỳ họp trước là 10).

Chính cách tổ chức kỳ họp như thế đã và đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi để cử tri rộng rãi trong cả nước có thể trực tiếp tiếp cận với công việc chuyên môn của những đại biểu quốc hội mà họ đã tín nhiệm bầu làm người đại diện cho mình. Và phải nói rằng, đã có những phiên thảo luận trên hội trường thực sự chất lượng, cho thấy rõ, "Quốc hội làm việc thật sự tận tụy, bàn thảo về các vấn đề lớn trên các lĩnh vực của quốc gia, dân tộc, nhưng cũng rất cởi mở", đúng như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, thay mặt Đoàn chủ tọa đã từng tổng kết trong bài phát biểu ý kiến kết thúc hai ngày Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011…

Quốc hội làm việc ở tổ.

Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đã  đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội năm 2010 rằng, "mặt tốt là cơ bản, xuyên suốt mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội". Các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao kết quả tăng trưởng kinh tế, thu, chi ngân sách năm 2010, trong đó mức tăng trưởng GDP cả năm tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội thông qua; nguồn thu ngân sách tăng và bội chi ngân sách giảm so với dự kiến đề ra từ đầu năm là một sự thật không thể phủ nhận được rằng trong thời gian qua Đảng, Nhà nước, nhân dân đã thể hiện sự quyết tâm cao và nhất là sự nỗ lực, quyết liệt và nhạy bén trong điều hành của Chính phủ trước những khó khăn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ những vấn đề còn khiến nhân dân và dư luận chưa hài lòng, chưa vui. Đó là, tính ổn định của nền kinh tế chưa vững chắc; hiệu quả và phát triển trong trật tự, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng và xét về mặt bằng chung tăng cao hơn thu nhập danh nghĩa của số đông dân cư và người lao động, do đó đời sống thực tế của họ không được cải thiện nhiều, có một bộ phận khó khăn; nhập siêu và bội chi ngân sách Nhà nước còn ở mức cao; bạo lực xã hội, môi trường ô nhiễm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm chưa được ngăn chặn có hiệu quả, có mặt gia tăng; quản lý nguồn lực Nhà nước chưa thật chặt chẽ, còn để thất thoát; tiết kiệm trong chi tiêu và sử dụng tài sản công, chi tiêu trong xã hội còn quá cái mà mình có; chống và xử lý tham nhũng làm chưa được nhiều; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn nhiều việc phải làm v.v.

Chính vì thế nên, như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: "Nhìn lại thực tiễn thời gian qua ở nước ta, vấn đề cốt lõi, quyết định là trách nhiệm phải cao, tâm phải sáng của người được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao nhiệm vụ. Các vị đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội yêu cầu, việc cống hiến, đóng góp, cũng như khuyết điểm, sai lầm cần được xác định rõ đâu là của tập thể và đâu là của cá nhân, không nên nói do cơ chế, pháp luật, tập thể một cách chung chung".

Trong các phiên thảo luận, khá nhiều vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu những ý kiến thực xác đáng và tâm huyết với những lập luận chặt chẽ, dựa trên những cứ liệu chắc chắn và chuẩn xác, có thể góp phần vào việc xây dựng những quyết sách cho tương lai một cách chuẩn mực và bám sát các điều kiện của thực tế hơn. Tuy nhiên, thật đáng tiếc đã có hiện tượng một số đại biểu đã có biểu hiện như muốn lạm dụng diễn đàn, đấy là chưa nói tới sự lợi dụng dân chủ để đưa ra những nhận định hay thông tin còn chưa được kiểm chứng hoặc về những lĩnh vực không phải chuyên môn sâu của mình nên khó có thể phán định chuẩn xác, thậm chí cả những kiến nghị không mang tính xây dựng, gây nên những dư luận không tốt trong xã hội.

Đơn cử một thí dụ, đã có ý kiến cho rằng, hiện nay Vinashin vay nợ tới 86 nghìn tỷ đồng và toàn bộ nguồn vốn này đã mất. Thế nhưng, sự thật là, như Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, theo các số liệu Bộ Tài chính nắm được của Hội đồng Quản trị Vinashin báo cáo Ban chỉ đạo tái cơ cấu, thì đến thời điểm 30/6/2010 số nợ của Vinashin là 86.031 tỷ đồng, nhưng mà tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin là 103.774 tỷ đồng. Như vậy, tiền vay đang nằm trong các tài sản, các dự án, chứ không phải đã tan thành mây khói tất cả. Tất nhiên, trong những dự án trên cũng có một số dự án thì hiệu quả và cũng có dự án không hiệu quả và một thực tế là một số người trong bộ máy lãnh đạo Tập đoàn Vinashin có tham nhũng tiêu cực và sai phạm nghiêm trọng nên hiện tại Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán đánh giá lại các giá trị của tài sản này và giao cho cơ quan điều tra làm rõ các sai phạm nghiêm trọng này.

Lại một thí dụ nữa, không rõ lấy số liệu ở đâu mà có ý kiến cho rằng, chi phí cho dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long lên tới… 94 nghìn tỉ đồng (?!) trong khi các công tác thống kê cụ thể còn chưa được hoàn thành….

Về dự án bôxít ở Tây Nguyên, đâu phải Chính phủ  không xem xét kỹ những vấn đề về môi trường ở đây mà đã cho bắt tay vào thực hiện. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, chúng ta đã thành lập Hội đồng thẩm định bao gồm 18 nhà khoa học, gồm các giáo sư, các phó giáo sư và các tiến sĩ, chủ yếu là các viện trưởng, phó viện trưởng, giám đốc trung tâm khoa học, hiệu trưởng, hiệu phó các trường đại học để nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm định các lĩnh vực khoa học liên quan công tác bảo vệ môi trường của hai nhà máy.

Trước những băn khoăn liệu có xảy ra hiện tượng thẩm thấu bùn đỏ hay không trong dự án bôxít ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng giải thích rằng, hiện nay tiêu chuẩn của thế giới và tiêu chuẩn của Việt Nam coi bùn đỏ này là khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại. Và đã là khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại thì độ thấm 10 mũ trừ 12 độ thấm là an toàn nhất, không thể thấm được. Từ nhiều năm nay, Viện Vật lý địa cầu cũng đã vào Tây Nguyên đo và xác định độ động đất tối đa ở khu vực này có thể là lên đến cấp 5. Mặc dầu vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu trong thiết kế ở đây là đến cấp 7.

Thông thường tất cả các nước trên thế giới khi đo cấp động đất cao hơn hai cấp là tiêu chuẩn quy định và bắt buộc. Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đo và theo dõi khu vực hồ bùn đỏ này không có đứt gãy tại khu vực thực hiện công trình… Cũng theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, hiện nay trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã đặt vấn đề đưa ra các giải pháp có khả năng vỡ hồ, vỡ hồ thì làm như thế nào. Thường trong khu chứa bùn đỏ này chia ra làm các lô, như ở Brazil, mỗi một hồ là khoảng 45 đến 50ha, ở Việt Nam để hệ số an toàn hơn trong diện tích 108ha, chia ra ở 8 hồ. Khi thải ra hồ thứ nhất, nếu có sự cố vỡ thì hồ thứ hai hứng phần vỡ của hồ thứ nhất, tương tự như vậy với các hồ khác...

Hiện nay, trước tình hình ở Hungary xảy ra sự cố bùn đỏ và trước sự quan tâm của dư luận, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị đoàn công tác sang Hungary để xem xét tất cả những vấn đề của nước bạn. Sau khi về, với ý kiến của các nhà khoa học, ý kiến của dư luận nhân dân, Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, xem những gì còn chưa chính xác, còn thiếu thì sẽ tiếp tục bổ sung. Trước đó, ngày 28/10 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức giao lưu trực tuyến để nghe ý kiến của nhân dân, cộng đồng và tất cả những người phản ánh về vấn đề bôxít ở Tây Nguyên…

Các đại biểu Quốc hội là những người đại diện cho ý chí và trí tuệ của các cử tri, của nhân dân. Và sự ủng hộ, tạo điều kiện của Quốc hội,  của các đại biểu quốc hội đối với bộ máy hành pháp càng lớn thì chúng ta càng có điều kiện hoạt động có hiệu quả hơn, nhằm đạt được mục tiêu ổn định tổng thể vĩ mô, phục hồi nhanh nền kinh tế, có thêm nhiều nguồn lực để đầu tư tương đối khá cho phúc lợi và an sinh xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội cũng như chính trị, quốc phòng, an ninh, mở rộng hoạt động ngoại giao quốc tế, đóng góp có trách nhiệm, hiệu quả vào nhiều vấn đề của khu vực và thế giới. Đó chính là điều mỗi người trong chúng ta đều luôn luôn cần ghi nhớ

Đ.T.C.
.
.
.