TP Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng đô thị hiện đại

Thứ Bảy, 09/05/2020, 06:39
Ngày 8/5, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố 4 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020.


Buổi làm việc diễn ra theo hình thức trực tuyến, cùng dự ở đầu cầu Chính phủ có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành. Đầu cầu TP Hồ Chí Minh có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và đại diện một số sở, ngành.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương TP Hồ Chí Minh làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng cho biết, một đô thị trên 10 triệu dân, nguy cơ lây nhiễm rất lớn nhưng với sự chỉ đạo liên tục, kiên quyết và sáng tạo của thành phố, công tác phòng chống, ngăn chặn dịch đã đạt được kết quả tốt; có nhiều mô hình, cách làm hay, quyết tâm chính trị cao nên thành phố đã không để lây nhiễm ra các tỉnh, thành khác và ra cộng đồng.

Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh có nhiều mô hình tương thân tương ái rất tốt như mô hình “ATM gạo”. Thành phố cũng là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai gói hỗ trợ cho người nghèo, người lao động bị ảnh hưởng COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Về kinh tế, Thủ tướng nhận định, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng TP Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp kịp thời, phù hợp… tạo bước phục hồi, phát triển bền vững.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TP Hồ Chí Minh đóng góp 23-25% GDP và 25% tổng thu ngân sách cả nước, nếu kinh tế thành phố suy giảm sâu sẽ ảnh hưởng đến cả nước. Vì thế, thành phố và các bộ ngành cần đề ra các biện pháp để vực dậy kinh tế, giúp thành phố phát triển.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TP Hồ Chí Minh hướng đến là một đô thị chiến lược, đóng góp cho kinh tế cả nước, đáp ứng kỳ vọng của cả nước. Do đó, Thủ tướng mong muốn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh quyết liệt để cùng Chính phủ đưa cả nước tiến lên trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Thủ tướng đề nghị, ngay trong buổi làm việc này, Chính phủ và các Bộ, ngành cùng TP Hồ Chí Minh cần tập trung thảo luận, đưa ra các quyết sách, tháo gỡ khó khăn để thành phố khôi phục nền kinh tế. Cụ thể là chủ động những giải pháp, kiến nghị cụ thể với Chính phủ, các bộ, ngành tập trung tháo gỡ và tạo điều kiện với từng kiến nghị của thành phố.

Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả là nhằm giúp TP Hồ Chí Minh vượt lên, hướng tới xây dựng một đô thị hiện đại trong nước và tầm khu vực, đáp ứng sự kỳ vọng của cả nước.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành đã được nêu ra. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Phong cho biết, để tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, kinh tế thành phố phục hồi trở lại, UBND thành phố nêu ra 7 nhóm kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành. Cụ thể, thành phố kiến nghị giảm tiếp 10% giá điện và tạm thời không tính giá điện bậc thang lũy tiến, giúp doanh nghiệp và người dân có thêm điều kiện sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. UBND thành phố kiến nghị không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, xã, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển với bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả; tháo gỡ để thành phố đẩy mạnh triển khai Đề án thành lập Thành phố sáng tạo phía Đông thuộc TP Hồ Chí Minh, trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch đất du lịch, dịch vụ thành đất công viên khoa học, công nghệ tại phường Phước Long, quận 9; điều chỉnh quy hoạch cục bộ phần diện tích đất dự trữ 384 ha tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị; đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quản lý và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng những diện tích đất mà cơ quan, DNNN cho thuê ngắn hạn, có thu tiền hằng năm...

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, dù bị thiệt hại do dịch bệnh, song 97% năng lực sản xuất của thành phố còn nguyên. Do đó, nếu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giữ người lao động, giảm áp lực chi trả vay nợ đủ thanh khoản thì từ tháng 5 trở đi, bộ máy doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại.

Về thương mại, có 8/14 quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác lớn có triển vọng giao thương, ước tính cả năm Việt Nam sẽ đạt 55-60% tổng giá trị kim ngạch XNK nếu công tác tiếp cận thị trường được làm tốt với 8 đối tác này.

Về du lịch, 5/8 quốc gia, vùng lãnh thổ cung cấp nguồn khách du lịch chính gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan đã kiểm soát tốt và Việt Nam có thể phục hồi 33% lượng khách du lịch quốc tế, tương đương 6 triệu người. Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh đối với lượng khách này là bài toán cần giải quyết...

Dự báo tiềm năng phục hồi kinh tế trong quý 2 và 3 của từng thành phần kinh tế, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, vật liệu xây dựng, sản xuất và dịch vụ phục vụ người dân có thể sớm phục hồi. Dịch vụ phục vụ nước ngoài triển vọng phục hồi trong quý 3.

Công nghiệp phục vụ trong nước, hàng tiêu dùng phục vụ xuất khẩu, sản xuất thiết bị máy móc là những lĩnh vực có thể phục hồi trong quý 2, 3. Từ những nhận định trên, Chính phủ cần dành riêng cho thành phố 20% tổng gói hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Khu đô thị sáng tạo tương tác cao tại quận 2, 9 và Thủ Đức là động lực kinh tế trong tầm nhìn 10 năm của thành phố. Khu vực này chiếm 10% dân số, 10% diện tích thành phố, dự tính đóng góp 30% GRDP thành phố, tương đương 4-5% GDP cả nước. Do đó, phương án quản lý hành chính thống nhất khi sáp nhập 3 quận trở thành thành phố là nhu cầu cấp thiết, Bộ Xây dựng cần hướng dẫn trong quý 3 để thành phố sớm hoàn thiện và trình đề án.


Đức Thắng
.
.
.