Suy nghĩ tản mạn về thời cơ phát triển

Thứ Năm, 15/06/2006, 13:33

Trước và trong khi tiến hành Đại hội lần thứ X của Đảng, một số tác giả phân tích thời cơ mới của Cách mạng Việt Nam - thời cơ sáng chói. Các bài viết và phát biểu đều có những dẫn chứng khá sâu sắc, cho nên phải đọc kỹ và suy ngẫm.

Đã là người hoạt động cách mạng, ai cũng rất trân trọng thời cơ. Bác Hồ đã từng viết: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời, một tốt cũng thành công”. Thời cơ không phải lúc nào cũng xuất hiện và diễn ra rất nhanh, cho nên phải hành động rất nhanh để chớp lấy thời cơ, không thì sẽ “lạc nước”. Lớn thì như thời cơ của một quốc gia; nhỏ hơn là thời cơ của hoạt động kinh doanh, của một món hàng; đều phải hành động nhanh và dũng cảm; được thì thắng to. Thời cơ ở đây là thời cơ để phát triển nhanh của đất nước, cho nên rất mừng.

Thế nhưng, trong cuộc đời hoạt động của mình, khi thì hành động, khi thì quan sát, tôi thường hay dị ứng với những lời to tát, hô hoán lên về thời cơ. Có lúc vội vàng nhận định, khi chưa thật sự chín muồi, dẫn tới thất bại. Có khi vội vàng hành động thiếu tính toán, muốn nhấn mạnh “cơ hội” mà làm nhanh, làm lớn với động cơ trong sáng nhưng lại dẫn tới khủng hoảng. Cho nên nghe thế vừa mừng, lại vừa có phần ngại ngùng. Có người phê phán cho là chính “sự ngại ngùng đó” mà sinh ra chập chờn, không quyết đáp, bỏ lỡ thời cơ! Chính vì thế mà phải đọc kỹ và suy ngẫm!

Đọc kỹ các phát biểu, có khi là của bạn bè, có khi là của một người chưa quen biết nhưng “tên tuổi” của họ, “sự nghiệp” của họ đều rất đáng kính trọng. Nhưng đọc kỹ và suy ngẫm thì lại thấy có điều ngờ ngợ.

Cũng thông cảm với các nhà khoa học khi đã say mê một hướng suy nghĩ nào đó thì đẩy nó đi tới cùng, cho nên có lúc trở thành cực đoan. Hình như có học giả nổi tiếng nào đó đã nói một câu khá nổi tiếng: “Quá mức thì thành phi lý!”.

Ký kết thoả thuận kết thúc đàm phán song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập WTO.

Đúng là anh bạn đáng kính của tôi quá say sưa với “thời cơ” có màu sắc sáng chói, đã quên nói tới thách thức và nguy cơ. Công bằng mà nói, thì anh bạn có nói tới thách thức, nhưng cũng chỉ nói sơ sơ cho phải phép. Cũng có lúc có cuộc tranh luận là “thời cơ và thách thức” cái nào lớn hơn cái nào, nhưng Đảng ta nói thời cơ và thách thức đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp.

Chúng ta mong muốn là có điều kiện phát triển kinh tế nhanh  hơn nữa. Nhưng phải phát triển bền vững, gắn kinh tế với văn hóa – xã hội, không để khoảng cách giàu – nghèo quá xa có khả năng gây bất ổn xã hội; và bài toán này lại không dễ giải ở bất cứ quốc gia nào có xuất phát điểm thấp, muốn từ nước chậm phát triển mà tiến lên. Đó cũng là thách thức không nhỏ.

Chúng ta mong muốn là bạn, là đối tác của các nước trên thế giới và đã làm được nhiều việc, đã đi được nhiều bước và đang trong quá trình tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia WTO. Tham gia WTO là thời cơ để phát triển nhanh. Nhưng lại phải nghĩ ngay tới “hậu WTO”, khi bài học của ngay nước bạn, trong những năm đầu có hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, hơn một chục triệu công nhân thất nghiệp! v.v...

Rồi hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn của thế giới. Chúng ta chủ động, tích cực hội nhập  vào dòng chảy chung đó của thế giới. Nhưng lại nhớ: “Toàn cầu hóa kinh tế tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, gây khó khăn lớn cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển” như Đảng ta đã nhận định. Chúng ta muốn là bạn với các nước vì hòa bình, độc lập và phát triển, nhưng âm mưu gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ ta “là một thực tế diễn ra hàng ngày”, chứ không phải là cái “bóng” ngăn cản phát triển.

Khi nói “đan xen” là từ thực tế đó, chứ không phải chập chờn. Phân tích thế chỉ để nói tới logic của tư duy dẫn tới logic hành động, quyết tâm và nhanh chóng nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để ổn định và phát triển.

Thế giới đang có những phát triển mới trong xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong hơn hai mươi năm đổi mới, chúng ta đã mở rộng quan hệ ngoại giao, quan hệ thương mại; lần đầu tiên có quan hệ với các nước lớn trên thế giới. Trong xu thế chung đó, và trong quan hệ quốc tế mới đó, đã tạo cho ta thời cơ mới và lớn để phát triển nhanh và nhanh hơn. Đó là một thực tế.

Nhưng lại phải phân tích xem thời cơ đó chủ yếu đến từ đâu?

Trong quan hệ mới, dòng đầu tư đến từ nước ngoài đổ vào nước ta ngày càng nhiều, đã có 4.575 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn  43 tỉ đôla Mỹ, hình thành khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra một động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, đã chiếm 15,5% GDP, trên 7,5% thu ngân sách, trên  17,1% tổng vốn đầu tư xã hội, hơn 23% kim ngạch xuất khẩu đạt trên 35% giá trị sản xuất công nghiệp thu hút hơn nửa triệu lao động. Như vậy, các thành phần kinh tế trong nước vẫn là lực lượng chủ yếu tạo ra thu nhập quốc dân, thu ngân sách, tổng vốn đầu tư xã hội, kim ngạch xuất khẩu từ kinh tế. Do đó, tuy ngoại lực có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển ở nước ta nhưng “nội lực có vai trò quyết định đối với sự phát triển” là đường lối phát triển đúng đắn của Đảng. Nội lực được tăng cường mới bảo đảm được độc lập tự chủ về kinh tế, thu hút và sử dụng có hiệu quả ngoại lực và thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế thành công.

20 năm đổi mới đã tạo ra thế và lực mới của đất nước, đã tạo ra vị thế mới của nước ta trên trường quốc tế. Có thể nhìn rộng ra để thấy:

Nếu đất nước không ổn định chính trị – xã hội thì làm sao có thể thu hút các nhà đầu tư đến với nước ta?

Nếu không cởi mở, phát triển mạnh về nông nghiệp, từ chỗ thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới, thì làm sao Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước ta có thể được cử làm Chủ tịch Tổ chức FAO lớn mạnh của Liên Hiệp Quốc v.v...

Tất nhiên, chúng ta còn nhiều yếu kém, có những yếu kém rất quan trọng. Và tất nhiên, chúng ta phải tích cực, chủ động hơn nữa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nêu lên cảm nghĩ của mình để muốn nhấn mạnh tới việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc, phát huy nội lực Việt Nam, bao gồm cả truyền thống lịch sử hào hùng, ý chí vượt qua khó khăn, cũng như khả năng trí tuệ, con người, và vốn liếng trong dân cho sự phát triển bền vững.

Trong sự phát triển của cách mạng, thời cơ của cục diện thế giới rất quan trọng. Nhưng, thời cơ chính nằm ở trong ta. Không chỉ là sự nắm bắt thời cơ, mà là khả năng phát huy nội lực của toàn dân tộc hình thành thời cơ lớn cho sự phát triển của đất nước.

Trên đây là mấy suy nghĩ tản mạn về thời cơ phát triển, trong quá trình nghiên cứu văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng

.
.
.