Sức sống hơn một thế kỷ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

Thứ Tư, 22/02/2012, 17:32
Cùng với cuộc khủng hoảng “nợ công châu Âu” hiện nay chẳng phải đang khẳng định những tư tưởng cơ bản của C.Mác về CNTB, về CNXH và con đường phát triển của nhân loại trong Tuyên ngôn đó sao?

Cách đây trên một thế kỷ, tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được xuất bản lần đầu vào tháng 2/1848.

Sau sự kiện Liên Xô tan rã, chế độ XHCN ở Đông Âu sụp đổ (1989-1991), những lý luận gia và chiến lược gia tư sản hàng đầu như Bơ-re-din-sky, Phơ-răng-xit Phu cua–y-a-ma đã cho rằng chủ nghĩa tư bản (CNTB) là vĩnh cửu, là “sự tận cùng của lịch sử”. Điều này cũng có nghĩa CNTB là một xã hội “tối ưu” mà lịch sử nhân loại tìm thấy… Nhưng cuộc sống đã phủ nhận điều đó. Sự phân hóa giầu nghèo đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới; Cuộc đấu tranh ý thức hệ mà người ta đang cố tình che đậy; Chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại và phát triển. Đồng thời ngay ở trung tâm của CNTB hiện đại đã diễn ra phong trào "Chiếm phố Wall" (bắt nguồn từ nước Mỹ đã nhanh chóng lan rộng tới các thành phố lớn ở châu Âu, châu Á và cả châu Phi).

Cùng với cuộc khủng hoảng “nợ công châu Âu” hiện nay chẳng phải đang khẳng định những tư tưởng cơ bản của C.Mác về CNTB, về CNXH và con đường phát triển của nhân loại trong Tuyên ngôn đó sao?

Ở nước ta những kẻ chống đối Nhà nước và nhân dân vì động cơ chính trị, hoặc vì những lợi ích nào đó, thậm chí chỉ vì muốn trở thành người nổi tiếng, đã chê bai, phủ nhận, thậm chí có kẻ còn vu khống học thuyết Mác. Họ cắt gọt và vẫn như những kẻ chống Mác hàng thế kỷ trước đây, chúng gói gọn Chủ nghĩa Mác trong mệnh đề: “Chủ nghĩa Mác xóa bỏ sở hữu tư nhân”, “xóa bỏ kinh tế thị trường”, “đấu tranh giai cấp” v.v… Và đổ tất cả những sai lầm khuyết tật của CNXH (mô hình cũ) cho Mác… Ngày nay trên thế giới nhiều học giả uyên bác, có uy tín khoa học lớn vẫn xem Mác là nhà tư tưởng, nhà khoa học xã hội, nhân văn lớn nhất thế kỷ XX. Mich Vadée trong công trình lớn “Mác - Nhà tư tưởng của cái có thể”, trong lời mở đầu công trình, ông viết: “Sức sống của một tư tưởng được tính bằng con số những cuộc tranh luận và những cuộc đấu tranh mà nó tạo ra. Về mặt này Chủ nghĩa Mác là thật đáng được ước ao”. Ông đặt câu hỏi: Phải chăng chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới của nhận thức về Mác?     .

Vào năm 1999, năm cuối cùng của thế kỷ XX trong cuộc thăm dò bình chọn nhà tư tưởng lớn nhất thế kỷ do Đại học Cambridge (Anh) tổ chức, kết quả là Mác đứng đầu, Einstein đứng thứ hai.

Đối với phong trào giải phóng dân tộc, ảnh hưởng của Chủ nghĩa Mác thông qua Chủ nghĩa Lênin và Cách mạng Tháng Mười đã tạo thành trào lưu cách mạng trên tất cả các châu lục. Ở nước ta, nhờ có Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và vận dụng  Chủ nghĩa Mác – Lênin, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, dẫn dắt nhân dân ta tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám, đánh bại các đế quốc xâm lược bảo vệ độc lập dân tộc, mở ra một thời đại mới cho dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Cuộc khủng hoảng - sụp đổ một bộ phận của CNXH trong cuối những năm 80, đầu 90, thế kỷ XX cho thấy: Một trong những sai lầm của những người kế thừa Chủ nghĩa Mác - Lênin là đã rơi vào chủ nghĩa giáo điều về lý luận, đồng nhất lý luận với phương pháp luận, không biết vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận Mác – Lênin khi tình hình đã thay đổi. Mặt khác trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhiều Đảng Cộng sản đã không kịp thời ngăn chặn được tình trạng quan liêu hóa, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây là bài học đắt giá đối với các đảng cầm quyền.

Đổi mới là một thời kỳ đặc biệt của cách mạng Việt Nam. Từ giữa những năm 80 thế kỷ XX, Đảng ta phát hiện sai lầm trên lĩnh vực kinh tế, xã hội nên đã khởi xướng công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế. Dựa trên lý luận và phương pháp luận Mácxit, phân tích những biến đổi sâu sắc của thời đại, từ những kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, phân tích những sai lầm khuyết điểm của các Đảng Cộng sản ở các nước XHCN trong sự nghiệp xây dựng CNXH và đặc biệt trong cải tổ, Đảng ta đã đề ra Đường lối đổi mới có nguyên tắc.

Để thiết thực kỷ niệm ngày ra đời bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, đối với chúng ta ngày nay là làm tốt các nhiệm vụ mà Đại hội XI đã đề ra, đặc biệt là những nhiệm vụ chính trị, tư tưởng: kiên định Chủ nghĩa Mác –Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác cách mạng, không mơ hồ với những thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, không chủ quan với tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị TW 4 – “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" nhằm: “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, “Củng cố sự kiên định về mục tiêu lý tưởng cách mạng… coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị TW lần thứ 4, khóa XI

C.Đ.T.
.
.
.