Sức lan tỏa của đợt sinh hoạt chính trị đầy tâm huyết và trách nhiệm

Thứ Bảy, 30/03/2013, 18:00
Kể từ thời điểm triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến nay chúng ta đã cảm nhận được một không khí sôi nổi, tâm huyết đầy trách nhiệm của một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tổ chức. Những ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của nhân dân cả trong và ngoài nước cũng đã được gửi đến các tổ chức, cơ quan chức năng. Theo đánh giá của Ban Biên tập - Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì công tác thông tin, tuyên truyền về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được tiến hành bài bản, kịp thời, thường xuyên, rộng khắp và đầy đủ trên cả báo nói, báo hình, báo viết và mạng Internet.

Các báo, đài, tạp chí đã mở chuyên trang, chuyên mục thông tin về hoạt động tổ chức lấy ý kiến ở các bộ, ngành, địa phương, đăng tải ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và người dân về các nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nội dung mang tính xây dựng, tích cực, phục vụ trực tiếp cho việc sửa đổi Hiến pháp đảm bảo đúng định hướng. Nhiều bài viết có những lập luận sâu sắc, thuyết phục về những nội dung cơ bản góp phần tăng thêm chất lượng, trí tuệ vào quá trình xây dựng Hiến pháp.

Riêng trên Báo CAND, ngoài việc có hàng trăm tin, bài tuyên truyền, thông tin kịp thời các hội nghị, hội thảo, tọa đàm góp ý Dự thảo Hiến pháp, chuyên mục của “Góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” của Báo đã có gần 100 bài viết tâm huyết, trí tuệ của cán bộ, nhân dân và bạn đọc khắp trong và ngoài nước được đăng tải. Đó là những dòng thông tin ấm nóng tinh thần trách nhiệm, tâm huyết trước một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Những ý kiến đóng góp đều đã được nghiên cứu kỹ, tập trung đi sâu, làm rõ những vấn đề quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trong đó đều bày tỏ sự tán thành, nhất trí cao với nội dung Điều 4 trong Dự thảo về vai trò lãnh đạo của Đảng vì đã thể hiện súc tích, rõ ràng và sát với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhất trí cần phải Hiến định sự trung thành của lực lượng vũ trang đối với Đảng. Điều đó đã minh chứng cụ thể cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng có đầy đủ cơ sở, chính trị tư tưởng và pháp lý vững chắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những dòng thông tin ấm nóng đó vẫn có những dòng chảy lệch lạc, đi ngược lại với tuyệt đại đa số nhân dân. Một số cá nhân đã lợi dụng sự kiện này để tuyên truyền quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm gây ảnh hưởng tiêu cực, làm mất lòng tin trong quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Theo Ban Biên tập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thời gian qua đã có một số trang thông tin trên Internet, một số blog cá nhân đăng tải những góp ý, nhận định chưa phù hợp với định hướng chung. Có một số cá nhân không góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố mà tự ý đưa lên mạng một bản dự thảo Hiến pháp mới và kêu gọi mọi người tham gia ký tên ủng hộ.

Bản dự thảo này có nội dung kêu gọi không quy định quyền lãnh đạo của Đảng; đa dạng hóa hình thức sở hữu đất đai, thực chất là muốn tư nhân hóa về đất đai; phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, thay đổi toàn bộ mô hình tổ chức bộ máy nhà nước theo mô hình Cộng hòa Tổng thống…

Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổ chức, cá nhân có quyền và trách nhiệm gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 những ý kiến, kiến nghị về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thể hiện sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm công dân đối với đất nước, nhưng việc tự ý đăng tải một dự thảo Hiến pháp khác với bản Dự thảo do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố để kêu gọi mọi người ký tên ủng hộ là trái pháp luật.

Bởi vì, theo Nghị quyết của Quốc hội, Quốc hội là chủ thể quyết định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và dự thảo Hiến pháp để lấy ý kiến nhân dân là bản Dự thảo do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố. Tự ý là một việc không đúng pháp luật, thậm chí còn đăng tải cả những danh sách ký tên không có thật. Đó là những việc làm lạc lõng trong dòng chảy đầy tâm huyết và trách nhiệm của cả dân tộc đối với một công việc hệ trọng của đất nước. Dĩ nhiên là những tiếng nói lạc lõng và sai lệch đó sẽ chẳng nhận được sự hưởng ứng và nhanh chóng bị đào thải, lãng quên.

Đánh giá của Ban Biên tập - Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được triển khai khẩn trương, kịp thời, nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị.

Con số hơn 860.000 lượt người tham dự hội nghị, hội thảo, tọa đàm và gửi thư góp ý; hơn 33.000 lượt người góp ý trực tiếp vào Dự thảo trên trang Dự thảo online; hàng trăm thư, bài góp ý trực tiếp gửi về Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hàng trăm bài viết trên các báo, tạp chí… là minh chứng cụ thể, sinh động của một đợt sinh hoạt chính trị đầy tâm huyết và trách nhiệm của người dân đối với một sự kiện quan trọng của đất nước

Thanh Hải
.
.
.