Sửa Luật, tăng mức xử phạt tối đa hành vi vi phạm giao thông

Thứ Sáu, 13/03/2020, 09:01
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời Bộ Tư pháp thông tin liên quan đến đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, việc tăng mức xử phạt tối đa nhằm đảm bảo nguyên tắc kịp thời, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.


Cũng theo Bộ GTVT, hiện nay, một số nhóm hành vi vi phạm trong Nghị định 100 đã được nâng mức xử phạt tiền lên mức tối đa là 40 triệu đồng. 

Cụ thể: Nhóm hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 (vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở) có mức xử phạt từ 35 - 40 triệu đồng. Nhóm hành vi vi phạm sử dụng ma túy điều khiển xe ô tô mức xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng. 

Tuy nhiên, thực tiễn vẫn có thể phát sinh những hành vi vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy điều khiển phương tiện phức tạp, nguy hiểm, có nguy cơ cao gây mất ATGT và đặt ra vấn đề tiếp tục phải tăng mức xử phạt vi phạm hành chính.

Hành vi vi phạm nồng độ cồn được đề nghị tăng mức xử phạt tối đa.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cho biết, việc tăng mức xử phạt tiền tối đa còn để điều chỉnh mức xử phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019, trong đó đã điều chỉnh gần 300 hành vi, nhóm hành vi, trong đó có 69 hành vi, nhóm hành vi tăng cao mức xử phạt. 

Do tính chất phức tạp của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ nên nhiều hành vi có mức phạt cao, vượt quá thẩm quyền xử phạt của Trưởng phòng CSGT cấp tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chánh thanh tra sở dẫn đến tình trạng phải chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền (Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Cục trưởng Cục CSGT) để ra quyết định xử phạt. Do đó, việc tăng mức xử phạt tiền tối đa để điều chỉnh mức xử phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ là rất cần thiết.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về Đề nghị xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi) và Đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ. 

Thông báo nêu rõ, về Đề nghị xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi), trước mắt, giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Luật GTĐB hiện hành. 

Bộ GTVT tiếp tục đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, trong đó có đánh giá tác động về mặt lập pháp, đối với các nội dung quy định về bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ; phân định rõ nội dung quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực giao thông và quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực bảo đảm trật tự, ATGT. 

Đồng thời, xác định rõ hơn việc phân công trách nhiệm của Bộ Công an và các lực lượng có liên quan trong việc bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ. Để khắc phục tình trạng có quá nhiều lực lượng kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường thì nên quy định theo hướng giao lực lượng CSGT chịu trách nhiệm chủ yếu trong công tác này. 

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi), phối hợp với Bộ Tư pháp để tổng hợp vào Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 (trình Quốc hội dự án Luật trong năm 2020) để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ theo quy định. 

Văn bản từ Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, làm rõ hơn sự cần thiết, các đề xuất chính sách, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, bảo đảm đúng các yêu cầu lập pháp theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình Chính phủ xem xét, quyết định vào cuối năm 2020 để đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Phạm Huyền
.
.
.