Sự thật về Võ Văn Ái và Thích Quảng Độ

Thứ Ba, 14/12/2004, 08:22

Để chứng minh với quan thầy Mỹ rằng các tổ chức mình lập ra là có nhân lực, có sức mạnh, từ Pháp, Võ Văn Ái tung tay chân về nước, tiến hành móc nối và xây dựng lực lượng. Đối tượng mà Ái nhắm tới và sử dụng là Thích Quảng Độ.

Nói đến Võ Văn Ái, ở Việt Nam có lẽ chẳng mấy người biết nhưng ở nước ngoài, nhất là ở Pháp, bà con Việt kiều không ai lạ gì. Sinh năm 1935 tại Huế, sau khi học xong lớp đệ nhất (tương đương lớp 12 bây giờ) ở Trường Quốc học Huế, Võ Văn Ái theo hai người bạn lên Di Linh, Lâm Đồng dạy học. Năm 1953, được một cơ sở cách mạng vận động Ái bỏ trường theo Việt Minh. Tuy nhiên, vốn thích ăn ngon, gái đẹp, không chịu đựng nổi kham khổ vì thế, chỉ một thời gian ngắn, Võ Văn Ái bỏ hàng ngũ kháng chiến, chuồn về Sài Gòn.

Những ngày đầu ở Sài Gòn, Võ Văn Ái sống cầu bơ cầu bất. Trong dịp tình cờ, thông qua một người quen, Ái được Tổng giám đốc Công an dưới triều Ngô Đình Diệm là tướng Nguyễn Ngọc Lễ nâng đỡ rồi cho sang Pháp du học.

Tại Paris, Ái chơi nhiều hơn học, nhưng sau tháng 4/1975, đi đến đâu, Ái cũng tự phong cho mình cái hàm "giáo sư". Để giải quyết cái khâu "oai", Ái cũng viết văn, viết báo dưới bút hiệu Nguyên Thảo, Trần Phổ Minh và Thi Vũ.

Sau năm 1975, trước làn sóng người Việt chạy ra nước ngoài, máu cơ hội chính trị trong người Võ Văn Ái trỗi dậy. Lập tức, Ái đứng ra thành lập cái gọi là "Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam tại Pháp", rồi tự phong cho mình chức chủ tịch, đồng thời lôi kéo vài nhà văn, nhà báo vào cuộc để khuếch trương thanh thế, và cho ra mắt tạp chí Quê Mẹ làm phương tiện tuyên truyền.

Lúc ấy, Ủy ban của Ái không có miếng đất cắm dùi nên Ái đã gặp gỡ lãnh đạo của một tổ chức chính trị tại Paris, để "mượn" trụ sở của tổ chức này làm nơi hoạt động. Trước lập luận: "Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam tại Pháp chỉ nhằm mục tiêu tranh đấu cho người Việt di tản được sống, và được đối xử bình đẳng như công dân Pháp", nên tổ chức chính trị ấy đã đồng ý cho Võ Văn Ái sử dụng trụ sở của mình. Chiếm được trụ sở, Võ Văn Ái bèn cho ra đời Phòng thông tin Phật giáo hải ngoại (PTTPGHN) do mình làm giám đốc, đồng thời rủ rê một số tăng ni, thành lập Văn phòng Viện Hóa đạo 2, trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất hải ngoại (GHPGVNTN) - cũng là một sản phẩm của Ái.

Đến lúc ấy, mọi sự tạm ổn rồi, "chính trị gia" kiêm "giáo sư" dỏm Võ Văn Ái công khai cặp bồ với "trợ lý" của mình là Ỷ Lan - một mụ nạ dòng người Anh, nói tiếng Việt giọng Huế như máy, đã từng có thời gian cộng tác với Ban Việt ngữ Đài BBC.

Những trò bẩn thỉu trong cuộc đời "chính trị" của Võ Văn Ái diễn ra khá nhiều, chỉ xin kể ra đây vài ví dụ: Ghét ai, Ái dùng tờ Quê Mẹ, viết bài đánh tơi tả mà cụ thể là nhà báo Trần Sĩ Hải, người đã cộng tác với Quê Mẹ từ buổi phôi thai. Trong "chiến dịch" Một chiếc tàu cho Việt Nam, Ái cũng "chấm mút" được kha khá từ tiền quyên góp của bà con Việt kiều. Bên cạnh đó, để chiếm đoạt máy móc in ấn, Ái đã sử dụng nhiều thủ thuật ma đầu, kể cả việc chụp mũ cho đối thủ của mình là... Cộng sản (?!).

Võ Văn Ái đã giật dây Thích Quảng Độ như thế nào?

Khi mới cho ra đời tờ tạp chí Quê Mẹ, Võ Văn Ái chỉ có tiếng mà không có miếng. Báo sống nhờ quảng cáo, kể cả quảng cáo chữa bệnh... lậu, bệnh liệt dương, bệnh di tinh, mộng tinh. Đến giữa thập niên 90, Ái được một tổ chức của Mỹ tên gọi là NED (National Endowment for Democracy - Tổ chức quốc gia tài trợ hoạt động cho dân chủ) để mắt tới. Năm 1997, NED đã xuất quỹ, cấp cho Quê Mẹ 90.000 USD, năm 1998 là 95.000 USD. Bước sang năm 2001, Quê Mẹ nhận từ NED 70.000 USD.

Trong một cuộc điều trần về chính sách ngoại giao, Barbara Conry, chuyên gia phân tích đường lối đối ngoại của Mỹ tại Học viện Cato Institute - Washington DC đã nói về NED như sau: "NED đã tạo ra sự phẫn nộ ở nước ngoài về sự can thiệp của Mỹ do sự đánh lừa rằng đây là một tổ chức tư nhân...". Một cựu nhân viên CIA, ông McGehee đã mô tả các hoạt động của NED từ sau năm 1991, là nhằm vào nước CHND Trung Hoa, Cuba, CHDCND Triều Tiên và CHXHCN Việt Nam.

Có tiền rủng rẻng trong tay, Võ Văn Ái bắt đầu đi nhiều nơi để tuyên truyền, diễn thuyết về vấn đề "nhân quyền", và được một số người Việt hải ngoại đánh giá là nhân vật "ồn ào" nhất. Tuy nhiên, Ái tưởng không ai biết việc Quê Mẹ nhận tài trợ của NED, nên ông ta huênh hoang: "Tôi cũng như các bằng hữu điều hành Quê Mẹ đều là thiện nguyện, không ai nhận đồng lương nào. Tiền túi đổ ra hoạt động thì có, nhưng tôi khổ lắm, suốt ngày lao động, kiếm tiền rồi bỏ ra đấu tranh cho... nhân quyền (?!)".

Tuy "khổ" như thế, nhưng Ái vẫn cưỡi xe Mercedes và ăn uống tại những nhà hàng sang trọng bậc nhất Paris. Trong một buổi họp báo, có người hỏi cắc cớ: "Giáo sư nói giáo sư lao động cực khổ, mà sao lắm tiền thế?". Ái lấp lửng: "Tôi nói vậy là vì không thể tiết lộ xuất xứ nguồn tài chính vì đó là bí mật. Nếu tiết lộ, chẳng khác chi CIA tiết lộ nghiệp vụ của mình" (?!).

Vì đã lập ra Văn phòng 2 Viện Hóa đạo và PTTPG, nên cái đích mà Ái nhắm tới không ai khác hơn là một số tu sĩ Phật giáo hiện sống tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Thích Quảng Độ để chứng minh với NED rằng nó là một thực thể có nhân lực, có sức mạnh. Bằng tiền của NED, Võ Văn Ái tung tay chân về nước, tiến hành gặp gỡ Thích Quảng Độ, tôn Thích Quảng Độ là người lãnh đạo GHPGVNTN - cả trong nước lẫn hải ngoại.

Gãi đúng chỗ ngứa, Thích Quảng Độ bèn trao quyền quyết định tuyệt đối cho Võ Văn Ái, để Ái đứng ra tổ chức một đại hội bất thường của GHPGVNTN hải ngoại tại Mỹ vào tháng 10/2003. Mục đích của đại hội này là nhằm đưa Thích Quảng Độ lên ghế Tăng thống, và Ái có toàn quyền sắp xếp nhân sự của Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo tại hải ngoại cũng như tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Thích Quảng Độ còn cho Ái có quyền ban hành Giáo lệnh, Giáo chỉ, tuyên cáo. Nghe nói các chức vụ Hội chủ Văn Phòng 2 Viện Hóa đạo đã được Ái duyệt xét, và quyết định bằng những Giáo chỉ để Hòa thượng Thích Giác Lượng, Thích Chánh Lạc, Thích Giác Đằng, Thích Quảng Ba..., làm phụ tá cho Ái. Đến lúc ấy, đã xảy ra một chuyện khá buồn cười, mà dân gian gọi là giấu đầu lòi đuôi.

Ngày 30/6/2003, tờ Việt báo, xuất bản tại California, đăng tải toàn văn thông cáo báo chí (TCBC), đề ngày 28/6 của Võ Văn Ái, trong đó Ái cho biết mình đã điện thoại, nói chuyện với Thích Quảng Độ. Tuy nhiên, 3 ngày trước đó, ngày 27/6, tờ Người Việt, cũng xuất bản tại California, đã cho in lời tuyên bố của Võ Văn Ái trước việc Thích Quảng Độ được Chính phủ Việt Nam khoan hồng, và công bố 5 điểm yêu sách của Thích Quảng Độ. Đó là tự do đi lại, tự do hành đạo, tự do ngôn luận, tự do tụ họp và tự do truyền đạo. Như thế, có thể thấy dù chưa điện thoại cho Thích Quảng Độ, nhưng Võ văn Ái đã biết rõ chương trình "5 điểm" của Hòa thượng này. Đặc biệt, tờ Người Việt còn nêu nguyên văn: "... Thích Quảng Độ gửi lời cám ơn thế giới,... và nhờ ông Ái cám ơn Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội châu Âu, các tổ chức nhân quyền quốc tế...". Người Việt hải ngoại đọc bài báo này rất thắc mắc, rằng một vị lãnh đạo Phật giáo, chẳng lẽ lại phải nhờ Võ Văn Ái nói vậy được sao? Đây thật sự có phải là lời của Thích Quảng Độ, hay chỉ là trò ma bùn chính trị của Võ Văn Ái?--PageBreak--

Đến ngày 3/7/2003, tại Paris, Võ Văn Ái lại cho ra lò tiếp một TCBC nữa. Lần này, Ái vẫn quả quyết rằng mình đã nói chuyện với Thích Quảng Độ: "Sau 2 năm bặt tiếng, hôm nay là lần đầu tiên Thích Quảng Độ chấp thuận cho chúng tôi phỏng vấn". Nếu đây là lần "đầu tiên", thì 2 bài trên tờ Người Việt Việt báo ra trước đó 1 tuần là... lần nào? Chưa hết, ở phần dưới của TCBC ngày 3/7 ấy, Võ Văn Ái trịnh trọng: "Phòng Thông tin Phật giáo quốc tế vừa loan tải 3 yêu sách mới nhất của Thích Quảng Độ trong TCBC vừa qua. Kính xin Hòa thượng hoan hỉ khai triển nội dung 3 điểm này". Đã gọi là lần đầu tiên... phỏng vấn sau 2 năm Thích Quảng Độ im hơi lặng tiếng, thì Thích Quảng Độ loan tải 3 yêu sách "vừa qua" đó ở đâu, và vào lúc nào?

Người ta tự hỏi rằng, qua những vụ việc này, Võ Văn Ái là người phát ngôn cho Thích Quảng Độ, hay Thích Quảng Độ mới chính là người phát ngôn cho Võ Văn Ái?Trong khi đó, tại Việt Nam, Thích Quảng Độ cũng không ngừng thể hiện sự chống đối của mình dưới nhiều hình thức.

Trong chuyến ra Bình Định thăm Hòa thượng Huyền Quang - mà Thích Quảng Độ thông báo lập lờ với Võ Văn Ái, khi thì thăm, lúc là "họp lưỡng viện", trên đường trở về, đến Lương Sơn, chỉ mỗi việc bị cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ xe, Thích Quảng Độ la làng lên, rồi thổi phồng nó thành "Lương Sơn sự biến", làm người nghe cứ tưởng máu chảy đầu rơi. Ở Paris, khi nhận được thông tin này từ Thích Quảng Độ, Võ Văn Ái cũng rùm beng không kém. Ái sai một số sư, tăng, lếch nhếch kéo nhau đến Strassbourg và Bruxelles để "kiện" Chính phủ Việt Nam với Quốc hội châu Âu.

Tại Việt Nam, có cả trăm nghìn tăng, ni và hàng chục triệu tín đồ Phật giáo nhưng mò mẫm mãi, Võ Văn Ái cũng chỉ lôi ra được Thích Quảng Độ. Có lẽ thấy "yếu cơ" quá, Ái kéo thêm Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Hồng Quang vào cuộc để ra vẻ mình chẳng tranh đấu cho riêng tôn giáo nào. Hết "Lương Sơn sự biến", Thích Quảng Độ sáng tác ra "Phú Nhuận sự biến", rồi "Trảng Bom sự biến", mà tất cả chẳng có gì ngoài việc chiếc xe mà Thích Quảng Độ thuê hôm ấy, đang bị nghi vấn có liên quan đến một vụ tai nạn giao thông xảy ra trước đó. Đặc biệt hơn nữa, trong bản "Nhận định..." của Thích Quảng Độ gửi ra nước ngoài, rồi được Võ Văn Ái tán phát trên mạng Internet, đã có những lời lẽ mà độc giả tự hỏi, đó thật sự có phải do một bậc tu hành viết ra hay không?

Đến đây, cũng xin nhắc qua "quá trình hoạt động" của Thích Quảng Độ một chút. Năm 1992, Thích Quảng Độ được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ định về tu hành tại chùa Quán Sứ - một trong những ngôi chùa lớn tại Hà Nội - nhưng ông không chấp hành, mà tự ý bỏ vào Tp HCM, tự phong là "Viện trưởng Viện Hóa đạo" rồi có những hành động thách thức chính quyền.

Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, Nhà nước bỏ qua vụ việc này. Được thể, Thích Quảng Độ tiến hành liên kết với một số chức sắc các tôn giáo khác, tham gia ký "Lời kêu gọi chung" mà mục đích vẫn không ngoài việc xuyên tạc chính sách tôn giáo của Chính phủ Việt Nam.

Năm 2000, Thích Quảng Độ công khai thách thức Nhà nước, và đưa ra lời kêu gọi cho cái gọi là "Dân chủ ở Việt Nam" với một chương trình hành động bao gồm 8 điểm. Bước thêm bước nữa, Thích Quảng Độ lấy cớ ra Quảng Ngãi, đón Hòa thượng Huyền Quang vào Tp.HCM chữa bệnh, nhằm biến nó thành một cuộc biểu tình di động. Biểu tình không xong, Thích Quảng Độ tổ chức rình rang lễ mừng thượng thọ của mình để tập hợp một số chư tăng thân tín, phổ biến chương trình "hành động".

Đến lúc ấy, để giữ gìn kỷ cương phép nước, trật tự xã hội, Chính quyền buộc phải áp dụng biện pháp quản chế Thích Quảng Độ tại gia. Thượng Phối sư Thông Trần, người đã có dịp tiếp xúc với Thích Quảng Độ trong thời gian bị quản chế, đã nhận xét như sau: "Thích Quảng Độ không phải là một người chân tu, mà là người đang tự cho mình có một sứ mạng thiêng liêng với Phật giáo và dân tộc...". Cũng trong dịp đến thăm ấy, Thượng Phối sư Thông Trần cho biết, Thích Quảng Độ đã hất cả chén nước trà vào mặt Thượng Phối sư, khi Thượng Phối sư khuyên Thích Quảng Độ hãy vì tiền đồ đất nước, vì tương lai Phật sự...

Tóm lại, Võ Văn Ái và Quê Mẹ chỉ là công cụ của những kẻ đã cho Ái tiền, và Thích Quảng Độ lại là người để Ái giật dây nhằm phá hoại sự đoàn kết dân tộc, phá hoại Phật giáo. Văn phòng 2 Viện Hóa đạo chỉ là văn phòng ma của Ái, bởi lẽ Ái cần có một lý do chính đáng để xin tiền, nên Ái đã khai sinh ra PTTPG. Từ đó, Ái đẻ tiếp GHPGVNTN hải ngoại để PTTPG làm người phát ngôn, và sử dụng Thích Quảng Độ để thuyết phục tăng ni, phật tử với chiêu bài "thống nhất".

Có một lúc nào đấy, Thích Quảng Độ nghĩ sao khi một kẻ như Võ Văn Ái, miệng luôn kêu gào đấu tranh cho "quyền làm người Việt Nam", nhưng lại ngửa tay nhận tiền từ nước ngoài, và phục vụ cho nước ngoài vì mục tiêu của họ. Có một lúc nào đấy, Thích Quảng Độ cùng các vị chư tăng đang hoạt động cho Ái, nghĩ gì về một kẻ khoác trên mình tấm áo phật tử, miệng hô hào bảo vệ văn hóa dân tộc, bảo vệ đạo pháp nhưng lại quỳ gối bẩm báo với những ông chủ ngoại quốc về những thành quả "tố cáo" quốc gia mình?

P.V.
.
.
.