Sự cố y khoa nghiêm trọng ở Hoà Bình: "Có vấn đề về xử lý hệ thống"

Thứ Ba, 30/05/2017, 11:25
Đó là nhận định của ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM sáng nay, 30-5.

Trả lời báo chí bên lề kỳ họp liên quan đến sự cố chạy thận ở Hoà Bình, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho biết: “Qua trao đổi với một số bệnh viện thì sự cố 18 người cùng bị một lúc là chưa từng xảy ra. Chưa nên kết luận gì cả nhưng theo tôi không loại trừ khả năng do nước, việc vệ sinh ống, hệ thống các hoá chất kháng khuẩn, két… có vấn đề. Còn nếu bảo thuốc thì vô lý vì thuốc của mỗi người khác nhau. Các bệnh viện trong thành phố cũng đang rà soát tất cả các quy trình, không ai muốn rủi ro đó xảy ra”.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan

Theo đại biểu, sốc phản vệ là tình trạng cơ thể phản ứng lại tác nhân từ bên ngoài đưa vào, thường thường đó là phản ứng cơ thể tự bảo vệ, tuy nhiên đối với một số người trở thành quá sức. Nguy hiểm nhất là khi tụt huyết áp và một loạt các phản ứng khác khiến cơ thể quá mức chịu đựng, nếu không cấp cứu kịp thời thì sẽ dẫn đến tử vong…

Khẳng định đây là sự việc quá đau lòng, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, việc sốc phản vệ ở thế giới và Việt Nam đều có nhưng có thể là không báo cáo nhiều. “Thường thường khi xảy ra sự cố, sau khi loại trừ các nguyên nhân thì cuối cùng chỉ còn nguyên nhân duy nhất là phản vệ do kháng sinh, như vụ Bệnh viện ở Trí Đức cũng là sốc phản vệ. Thuốc trong khám chữa bệnh qua nghiên cứu dù đã giảm thiểu rất hiều rủi ro nhưng còn phần nào đó không thể nói được, nó tác dụng trên một tập thể người nhưng cũng có người không tác dụng. Cho nên chúng ta phải sử dụng thận trọng và các bác sĩ cũng trông đợi kinh nghiệm sử dụng cho nhiều người, như vậy sẽ dễ kiểm soát hơn” – đại biểu phân tích.

ĐBQH TP.HCM nhận định, trường hợp sốc phản vệ tuy đã được kiểm soát bằng nhiều cách, như với kháng sinh thì phải có thử nghiệm trước, dùng thử, test thử…; nếu tiền sử đã từng phản ứng thì sẽ chống chỉ định không sử dụng lại. Nhưng việc sốc phản vệ vẫn xảy ra, hay trường hợp thuốc gây mê hồi sức và một số hóa chất độc hại thì bao giờ cũng tiềm ẩn nguy cơ. “Vấn đề ở đây là khi tập thể bị như vậy thì chắc chắn có vấn đề về xử lý hệ thống” – bà nói.

An Quỳnh
.
.
.