Sôi sục phiên chất vấn các vấn đề 'nóng' HĐND Hà Nội

Thứ Ba, 07/07/2015, 18:24
Ngày làm việc thứ 2, ký họp thứ 13, HĐND TP Hà Nội lần thứ XIV, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để “truy” lãnh đạo UBND TP về  tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em, thiếu không gian công cộng phục vụ cộng đồng, nước sạch, quản lý nhà chung cư...

Đánh giá cao việc TP chỉ rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và chính quyền trong việc để các không gian công cộng bị lấn chiếm và sử dụng sai mục đích, đại biểu Nguyễn Hoài Nam kiến nghị, UBDN TP phải thu hồi các diện tích sử dụng sai mục đích để trả lại không gian công cộng.

“Tôi cảm thấy các hoạt động ngoài giờ của các em không có, đẩy về hết cho các gia đình. Ngày xưa không mất nhiều tiền nhưng hoạt động rất tốt, còn bây giờ thì vắng bóng. Mỗi phường xã hàng năm ngân sách chi hàng tỉ, trong đó chi cho sự nghiệp văn hóa xã hội hàng trăm triệu, nhưng hình như thua ngày xưa ít tiền. Phải chăng chúng ta chưa quan tâm?”,  đại biểu Nguyễn Hoài Nam băn khoăn.

Một số đại biểu khác cũng nêu ý kiến, TP còn “vắng bóng” tổ chức quản lý các hoạt động vui chơi cho trẻ em. Trả lời các câu hỏi nói trên, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc thừa nhận Hà Nội đang thiếu các khu vui chơi giải trí, thiếu cả về tiêu chuẩn quy chuẩn và thiếu so với nhu cầu của người dân, trong đó có nguyên nhân gia tăng dân số. Ông Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, chỉ tiêu 45% khu đô thị mới có khu giải trí, vui chơi cho trẻ em sẽ không đạt được theo nghị quyết của HĐND TP đề ra cho tới cuối năm 2015.

Trẻ em khao khát có sân chơi.

Cũng trong phiên chất vấn tại HĐND TP Hà Nội ngày 7/7, trong số các câu hỏi chất vấn, nước sạch đặc biệt nhận được sự quan tâm của các cử tri ở hầu hết các quận, huyện.  Đại biểu Nguyễn Thị Thùy, trưởng Ban Văn hóa – Xã hội chất vấn: Hiện nay, TP có 44 dự án nước sạch, vậy cho đến nay có bao nhiêu dự án đã hoạt động và cung cấp nước sạch cho người dân, đạt tỷ lệ bao nhiêu % công suất thiết kế? Có bao nhiêu dự án tiếp tục được hoạt động và còn bao nhiêu dự án bị dừng? Có bao nhiêu dự án có nguồn gốc ban đầu từ nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn hợp pháp khác chưa được định giá và bàn giao cho doanh nghiệp theo cơ chế của UBND TP: Giá nước sạch xã hội hóa có phù hợp với thu nhập của người dân hay không và TP có trợ giá cho khu vực này không?

Các đại biểu khác cũng muốn lãnh đạo TP làm rõ, theo chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn của TP được phê duyệt thì đến hết năm 2015 phải hoàn thành 40% tỷ lệ dân cư sống tại nông thôn được thụ hưởng nước sạch. “Với một loạt hạn chế và những vấn đề trong triển khai, UBND đánh giá chúng ta có hoàn thành được chỉ tiêu này không? Nếu không hoàn thành thì nguyên nhân chủ yếu vướng mắc là do đâu? Do cơ chế chính sách hay do thực hiện? Giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu này là gì?”, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Mai băn khoăn.

Trạm cấp nước xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) gần như bỏ hoang vì dân không chịu nổi giá nước quá cao. Ảnh: Đỗ Hà.

Vẫn là câu hỏi tái chất vấn từ kỳ họp trước, nhưng ở phiên chất vấn hôm nay, nhiều đại biểu vẫn chưa thỏa mãn với giải pháp và kết quả thực hiện của lãnh đạo TP trong vấn đề quản lý nhà chung cư... Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban Pháp chế cho rằng, báo cáo của UBND TP mới chỉ nêu được số liệu nhưng chưa nêu được nguyên nhân, giải pháp, trách nhiệm của TP, đặc biệt là chất lượng sống của người dân tại các khu chung cư tái định cư cũng như vấn đề thành lập Ban quản trị nhà chung cư. 

Theo ông Nam, UBND TP cho rằng người dân không muốn thành lập Ban quản trị, nhưng việc quản lý vận hành nhà chung cư phải chuyên nghiệp, dứt khoát là phải có các cơ quan chuyên nghiệp. “Phí bảo trì ai đang quản lý cũng không thấy đề cập đến”, ông Nam bức xúc.

Chi Linh
.
.
.