Kỷ niệm 65 năm CAND học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy:

Sáu điều dạy của Bác Hồ đối với Công an nhân dân vẫn giữ nguyên giá trị thời sự trong thời kỳ đất nước phát triển, hội nhập

Thứ Bảy, 18/05/2013, 03:01
Cách đây 65 năm, ngày 11/3/1948, Bác Hồ đã viết thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII về “Tư cách người công an cách mệnh”.

Lời dạy của Bác Hồ đã trở thành lời huấn thị chung cho toàn lực lượng CAND, trở thành di sản tinh thần thiêng liêng, vô giá; là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng CAND, góp phần quan trọng làm nên nhiều chiến công vẻ vang của lực lượng CAND từ đó đến nay.

Sáu lời dạy của Bác tuy ngắn gọn, dễ hiểu, nhưng có ý nghĩa toàn diện, cơ bản trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện đối với mỗi CBCS công an, chẳng những phù hợp trình độ văn hóa và hoàn cảnh chiến tranh trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn có giá trị nhân văn lâu dài trong giai đoạn lịch sử chống Mỹ, cứu nước, xây dựng CNXH, đổi mới và hội nhập quốc tế hôm nay của đất nước ta.

Đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu công phu về ý nghĩa 6 lời dạy của Bác Hồ đối với CAND. Ở bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh 2 vấn đề căn cốt trong 6 điều dạy của Bác, đó là tư cách của người công an cách mệnh trong quan hệ đối với Chính phủ và nhân dân.

Có ý kiến cho rằng, tại sao trong lời dạy đó, Bác chỉ nói: “Đối với Chính phủ…”, mà không đề cập tình cảm của người cán bộ công an đối với Đảng? Tại sao Người không dạy “Đối với Đảng, phải tuyệt đối trung thành”?

Cần nhớ lại thời điểm lịch sử năm 1948, đó là thời kỳ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của chúng ta đang ở giai đoạn cầm cự, gặp vô vàn khó khăn.

Để tập hợp, đoàn kết tất cả các lực lượng trong nước, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “giải tán Đảng Cộng sản”, thực chất là chỉ đạo Đảng ta rút vào hoạt động bí mật dưới danh nghĩa “Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác” để tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến kiến quốc. Chính vì đặc điểm lịch sử đó, trong thư, Bác chỉ nói “Đối với Chính phủ…”.

Trong bối cảnh như vậy, lực lượng công an triển khai học tập, thực hiện lời dạy của Người, đều hiểu rõ sự trung thành với Chính phủ cũng có nghĩa là trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Nội hàm Đảng - Chính phủ - Tổ quốc ở đây thống nhất làm một.

Đây là điều cốt tử để sau này lực lượng CAND xây dựng thành nội dung 5 lời thề danh dự CAND Việt Nam và trở thành nguyên tắc sống còn trong cơ cấu, tổ chức lực lượng cũng như phương thức công tác, chiến đấu của lực lượng công an Việt Nam.

Bác từng nhiều lần căn dặn cán bộ phải là “công bộc” của dân, là “đầy tớ” của dân. Với công an, Bác Hồ dạy “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”, đó là nội dung cụ thể và rất dễ hiểu để thực hiện.

Trong suốt quá trình giáo dục, rèn luyện lực lượng CAND, Bác Hồ đã dành sự lưu tâm đặc biệt căn dặn cán bộ công an coi trọng việc xây dựng mối liên hệ mật thiết với nhân dân.

Năm 1951, với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào thời kỳ gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho giai đoạn chuyển mạnh sang tổng phản công chống thực dân Pháp, lực lượng Công an tiến hành đào tạo những lớp học viên công an có trình độ trung cấp nhằm cung cấp nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi mới của cuộc kháng chiến.

Trước yêu cầu đó, tại châu Sơn Dương, Tuyên Quang (Việt Bắc), Trường Công an Trung cấp được vinh dự đón Bác đến thăm. Bác căn dặn CBCS công an phải nhận thức đầy đủ vị trí, nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ nền chuyên chính dân chủ nhân dân - đó là điểm khác biệt về bản chất giữa công an đế quốc với CAND Việt Nam.

Bác nhấn mạnh, người CAND trong chế độ mới cần nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị, gắn liền với ý chí khắc phục khó khăn, ra sức thi đua sáng tạo để đáp ứng kịp thời những đòi hỏi mới của cuộc kháng chiến, kiến quốc. Bác dạy trong quan hệ với dân, lực lượng công an phải ghi nhớ: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Đó là những lời dạy giản dị, sâu sắc, dễ thấm sâu vào tâm tư, tình cảm mỗi người, ai cũng có thể hiểu để vận dụng trong thực tiễn công tác.

Cũng như vậy, ngày 16/5/1959, nói chuyện với CBCS và học viên khóa II lớp chỉnh huấn tại Trường Công an Trung ương, Bác lại nhắc: “Làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được. Nếu trong công tác công an, các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công. Muốn được như vậy cũng phải trau dồi đạo đức cách mạng, cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân”.

Trong suốt 65 năm qua, khi có chiến tranh cũng như trong điều kiện đất nước hòa bình, phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy luôn luôn được duy trì, phát triển sâu rộng và là một phong trào thi đua lớn nhất của lực lượng CAND.

Qua phong trào thi đua học tập và thực hiện 6 điều Bác dạy, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương CBCS công an không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, tận tụy công tác, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều thành tích và chiến công xuất sắc, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND anh hùng.

Nhiều CBCS đã hy sinh anh dũng trong phòng, chống tội phạm, bảo vệ tính mạng và tài sản vì cuộc sống bình yên của nhân dân, như: Anh hùng, liệt sỹ Lâm Văn Thạnh (Công an tỉnh Lâm Đồng); Lưu Thế Hà (Cục Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp); Lê Thanh Á (Công an TP Hải Phòng); Nguyễn Văn Ngữ (Công an TP Hà Nội); Phạm Văn Cường (Công an tỉnh Lai Châu)… Đó là những minh chứng sống động về kết quả to lớn của phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”.

Và còn có hàng nghìn, hàng vạn CBCS công an không tiếc máu xương, chiến đấu kiên cường, dũng cảm trong quá trình bảo vệ ANTT của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đó là những bằng chứng sinh động về kết quả to lớn của phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” trong 65 năm qua.

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của nước ta, trong đó có lĩnh vực bảo vệ ANTT.

Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ thuận lợi, đất nước ta đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức không nhỏ. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”; triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền hòng gây mất ổn định chính trị. Đặc biệt, quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã và đang xuất hiện những biểu hiện mới, phức tạp, tinh vi. Vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đang đặt ra nhiều thách thức…

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ những nhiệm vụ hết sức nặng nề của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đó là “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, TTATXH; ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch…”, trong đó giữ vững ANQG, TTATXH là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, mà lực lượng CAND là lực lượng nòng cốt.

Hiến pháp 1992 sửa đổi cũng quy định (Điều 73 dự thảo): “CAND Việt Nam được xây dựng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ ANQG và bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng chống tội phạm”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đó, hơn lúc nào hết, lực lượng CAND cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, đưa phong trào phát triển lên tầm cao mới.

Trong thời đại và hoàn cảnh lịch sử ngày nay, theo chúng tôi, cần phải tổ chức nghiên cứu sâu sắc hơn nữa giá trị bền vững và ý nghĩa thời sự của 6 điều Bác Hồ dạy CAND, tiếp tục tuyên truyền và phổ biến ý nghĩa cách mạng, khoa học, nhân văn và giá trị thực tiễn to lớn của 6 điều Bác Hồ dạy.

Mỗi CBCS cần nhận thức rằng, việc duy trì và phát triển phong trào thi đua “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” là nhiệm vụ thường xuyên và là định hướng cơ bản để tạo ra tiền đề quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại

N.H.V.
.
.
.