Sẵn sàng tài chính đáp ứng nhu cầu chống dịch đúng mức, kịp thời, hiệu quả

Thứ Năm, 05/03/2020, 18:52
Chiều 5/3, Thường trực Chính phủ đã họp về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.


Cùng dự có các đồng chí Phó Thủ tướng; các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (BCĐ) gây ra; đại diện các bộ, ngành chức năng.

Theo dõi sức khoẻ 16.191 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo về  tình hình hình dịch COVID – 19 tính đến 12h trưa 5/3 cho biết, trên thế giới đã ghi nhận 95.383 trường hợp mắc,  3.285 người tử vong tại 84 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong đó, các quốc gia có nhiều người mắc nhất gồm: Trung Quốc có 80.409 trường hợp mắc, 3.012 nhười tử vong; Hàn Quốc có 5.766 người mắc, 35 người tử vong; Ý có 3.089 người mắc/107 người tử vong...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp.

Tại Việt Nam, từ ngày 13/2 đến ngay không ghi nhận các trường hợp mắc mới. Đã loại trừ 1.752 trường hơp nghi ngờ; cách ly 92 trường hợp nghi ngờ. Theo dõi sức khoẻ 16.191 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó có 416 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 6.538 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 9.237 người cách ly tại nơi lưu trú.

Về những người đi cùng chuyến bay với hành khách người Nhật dương tính với  COVID-19, Bộ Y tế đã có công điện gửi các cơ quan chức năng đề nghị tiến hành cách ly 51 hàn khách và toàn bộ tổ bay; 22 hành khách nối chuyến cũng được cách ly trước khi làm thủ tục nối chuyến; khử trùng tàu bay...

Đối với 43 chuyên gia Trung Quốc tham gia Dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Ban Chỉ đạo đồng ý để nhập cảnh vào Việt Nam, nhưng phải được kiểm dịch y tế và được cách ly tại khách sạn theo đề nghị của UBND thành phố Hà Nội, khách sạn thực hiện cách ly phải ngoài khu vực đông dân cư và phải được thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt, không để người phải cách ly đi ra ngoài.

Ngày 4/3/2020, tại cuộc giao ban của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm thông tin về 1 trường hợp sốt, ho, tức ngực phải nhập viện, có tiền sử đi từ Ý về. Đó là cô giáo 39 tuổi ở Bắc Từ Liêm, đi theo đoàn hội thảo gồm 30 người do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Italy từ ngày 22-26/2, đến ngày 4/3/2020 có triệu chứng sốt, ho, tức ngực. BCĐ cho biết, sau khi xét nghiệm, cô giáo này có kết quả  âm tính với COVID-19.

Dự báo trong thời gian tới, công dân Việt Nam từ các nước (trong đó có Hàn Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam số lượng lớn. BCĐ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh, thành phố có phương án huy động một số cơ sở khách sạn, cơ sở lưu trú để thực hiện việc tổ chức cách ly (khi đã hết cơ sở cách ly do quân đội bố trí). UBND các tỉnh, thành phố chủ động bố trí một số cơ sở cách ly để sẵn sàng thu dung (ngoài các cơ sở cách ly do quân đội đã bố trí).

Công dân thuộc tỉnh, thành phố nào thì được theo dõi, cách ly tại đó theo nguyên tắc: Khi nhập cảnh vào Việt Nam được đưa vào khu cách ly tập trung ban đầu; tại đây được khám sàng lọc, những trường hợp không có biểu hiện sốt, ho, khó thở và không đến hoặc đi qua vùng dịch thì được chuyển về địa phương để theo dõi, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tạm dừng nhập cảnh công dân đến từ Hàn Quốc, Ý

Tại cuộc họp, các thành viên BCĐ, đại biểu đã báo cáo tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống dịch, nêu khó khăn và đề xuất các phương án để phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tại Nguyễn Hữu Độ thì hiện nay, đã có 60 tỉnh, thành phố quyết định cho sinh viên và học sinh PTTH đi học trở lại, đến ngày 5/3, đã có hơn 98% học sinh đi học. Đối với các cấp học từ THCS trở xuống, có tỉnh quyết định đi học từ 2/3, có tỉnh lùi đến 9/3 hoặc sẽ có phương án tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, các hãng hàng không đã quyết định dừng khai thác các chuyến bay đến Hàn Quốc.

Ngày 6/3, sẽ là chuyến cuối cùng của Vietjet Air dự kiến đưa 216 hành khách từ Hàn Quốc về Việt Nam. Các hãng hàng không Hàn Quốc cũng không được phép chở hành khách sang Việt Nam chỉ được đón khách về. Việc phòng dịch, khử trùng được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định.

 Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đã điều hành các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hỗ trợ công nghệ để chống dịch, trước mắt có thể đã có các ứng dụng như ứng dụng hạn chế đi lại, ứng dụng truy dấu vết...

Theo đó, những người cách ly khi rời khỏi khu vực cách ly nếu đi quá phạm vi cách ly thì hệ thống sẽ có cảnh báo cho chính quyền địa phương; ứng dụng truy dấu vết sẽ xác định được vị trí của những người nghi ngờ nhiễm dịch để khi cần sẽ tìm được những người này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị bổ sung máy thở, mặt nạ, áo, hoá chất vào danh mục dự trữ quốc gia; có cơ chế cải cách hành chính trong thủ tục mua dự trữ trang thiết bị phòng dịch. “Những người trong diện cách ly bắt buộc phải mở ứng dụng quản lý, phục vụ chống dịch” – Phó Thủ tướng đề nghị.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, để phòng ngừa dịch lây lan, đã tạm dừng cho nhập cảnh công dân các nước đến từ Hàn Quốc, Ý.

Không được chủ quan, mệt mỏi trong phòng chống dịch

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương sự phối hợp đồng bộ, kịp thời của các bộ, ngành, địa phương trong phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là các lực lượng Y tế, Công an, Quân đội đã chủ động, sẵn sàng, có biện pháp hiệu quả phòng chống dịch.

Kể cả Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên BCĐ nửa đêm, gà gáy vẫn bàn bạc để chống dịch với tinh thần chống dịch như chống giặc” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết và khẳng định: “Chúng ta đã phát động, khởi động 90 bệnh viện dã chiến, chuẩn bị cơ sở tiếp nhận 30 nghìn chỗ lưu trú cho việc cách ly. Đặc biệt, chúng ta ứng xử rất nhân văn đối với người bị cách ly, nhất là đối với người nước ngoài. Việc  cách ly y tế làm sớm, ngay từ đầu, sử dụng lực lượng vũ trang, đặc biệt là Quân đội, di dời bộ đội để dành cho khu vực cách ly nên kết quả chống dịch rất tốt. 23 ngày qua chưa có ca nào mắc mới, 16 người ra viện chưa ai phải quay lại. Áp dụng có hiệu quả khoa học, CNTT trong phòng tránh dịch; thông tin, truyền thông đến người dân khách quan, kịp thời nên đã đạt được hiệu quả rõ rệt, không để dịch bệnh lây lan”.

Về nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các lực lượng chức năng không được chủ quan, không mệt mỏi, không chần chừ, cần kiên định, kiên quyết hơn trong việc chủ động phòng chống, ngăn chặn COVID-19. “Kết quả ban đầu là rất tốt nhưng không được thoả mãn, chủ quan vì tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tất cả các bộ ngành, địa phương đều phải quan triệt để ngăn chặn có hiệu quả, kể cả tổ dân phố, thôn cũng phải vào cuộc, phải biết được tình hình người dân thế nào, phát hiện các ổ dịch mới để ngăn chặn kịp thời – Thủ tướng yêu cầu và nhấn mạnh phải vận dụng kịp thời những cách làm mới, phù hợp với tình hình để chủ động phát hiện mầm bệnh, thực hiện biện pháp cách ly, tránh lây lan sang cộng đồng.

“Cách ly tập trung là hình thức tối quan trọng trong việc phòng ngừa dịch lây lan. Chính vì vậy, lực lượng vũ trang, đặc biệt là Quân đội phải chuẩn bị sẵn sàng chỗ ở cho người dân cách ly. UBND các địa phương phải sẵn sàng phối hợp với lực lượng Quân đội trong việc chuẩn bị vị trí và các trang thiết bị cần thiết cho việc cách ly. Bộ Văn hoá – Thể thao và du lịch cũng cần phối hợp với Quân đội chuẩn bị cơ sở lưu trú để khi cần thiết có thể sử dụng” – Thủ tướng yêu cầu.

Đồng ý mua thêm 20 triệu khẩu trang dự trữ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng thứ 2 sau nhiệm vụ phòng chống dịch COVID -19 đó là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội nên Chính phủ đã dành cả ngày 4/3 để thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh. Ưu tiên hàng đầu cho phòng chống dịch rồi đến phát triển kinh tế, xã hội tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra” – Thủ tướng nói, đồng thời chia sẻ khó khăn với ngành du lịch và một số ngành khác bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.

“Ngành  Y tế và các ngành chức năng cần chi tiết hoá kế hoạch khi tình huống xấu xảy ra. Tiếp tục diễn tập phản ứng nhanh để ứng phó nếu dịch xảy ra. Có kế hoạch dự phòng kể cả nơi ở, hỗ trợ y tế để thực hiện cách ly khi cần thiết. Tài chính đáp ứng mọi nhu cầu chống dịch bệnh đúng mức, kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục đề cao trách nhiệm của các ngành, địa phương đặc biệt là Y tế, Công an, Quân đội, UBND các cấp” – Thủ tướng yêu cầu. 

Thủ tướng đồng ý đề xuất của Bộ Y tế mua thêm 20 triệu khẩu trang dự trữ (cộng với 10 triệu chiếc ban đầu là 30 triệu chiếc) “Tôi ủng hộ việc mua máy thở, khẩu trang và các trang thiết bị cần thiết để chống dịch. Đề nghị tính toán chặt chẽ để đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo yêu cầu cần thiết cho việc phòng, chống dịch” – Thủ tướng nói và đồng ý ngay trong ngày 6/3 sẽ cho thành lập các tổ công tác liên ngành: y tế, công thương, tài chính để giám sát phương thức mua các trang thiết bị dự phòng, đồng thời đề nghị xây dựng quỹ vận động nhân dân ủng hộ nguồn lực chống dịch...

Phương Thuỷ
.
.
.