Quyết tâm vì một hệ thống Tòa án vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Thứ Sáu, 13/01/2017, 10:16
Ngày 12-1, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã tổ chức hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2017 và lễ công bố quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị. 


Dự hội nghị có các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị.

Năm 2016, các Tòa án đã giải quyết 432.441 vụ việc các loại, đạt tỷ lệ 93,4%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 36.424 vụ việc; đã giải quyết tăng 33.383 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,27%, giảm 0,08% so với năm 2015.

Trong công tác xét xử, Toà án các cấp đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên toà. Các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án dư luận xã hội quan tâm được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương. Các trường hợp Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đều đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật và được Viện Kiểm sát chấp nhận chiếm tỷ lệ 95%. 

Đặc biệt, TANDTC đã tích cực phối hợp với các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét, giải quyết các đơn kêu oan có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân, hoặc tử hình theo yêu cầu Nghị quyết số 69 và 96 của Quốc hội xác minh và minh oan cho một số trường hợp được xét xử từ nhiều năm trước, được dư luận quan tâm như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, vụ ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh... 

Năm 2017, ngành Tòa án đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phấn đấu đảm bảo toàn bộ các vụ việc được giải quyết trong thời gian theo quy định của pháp luật; phấn đấu tỷ lệ án bị hủy do lỗi chủ quan giảm so với năm 2016; phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra đối với công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và đảm bảo tỷ lệ ra quyết định thi hành án hình sự đối với người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đạt 100%.

Ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực, kết quả, thành tích xuất sắc mà Tòa án nhân dân các cấp đã đạt được trong năm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Tòa án các cấp tập trung thực hiện một số nội dung công tác sau: Tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, gắn việc thực hiện nhiệm vụ công tác với đẩy mạnh thực hiện các nội dung cải cách tư pháp. Tiếp tục đổi mới các mặt công tác. 

Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra trên các lĩnh vực công tác. Thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng các dự án luật được giao và tham gia. Chú trọng tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm xét xử để nâng cao chất lượng và kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Tòa án các cấp cần đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa và tuân thủ các nguyên tắc tư pháp đã được Hiến pháp và pháp luật quy định. 

Tập trung thực hiện tốt chức năng xét xử và thực hiện quyền tư pháp, xem xét đầy đủ khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng, bảo đảm phán quyết của Tòa án phải chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và các cơ quan có liên quan để đẩy nhanh tiến độ đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh vụ án kinh tế, tham nhũng, sớm trừng trị nghiêm khắc kẻ phạm tội, thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát, mặt khác, thể hiện thái độ quyết tâm đấu tranh, đẩy lùi tham nhũng của Đảng, Nhà nước trước nhân dân. 

Trong quá trình xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng, cùng với việc xét xử nghiêm minh, cần làm rõ những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tham nhũng; kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên tòa nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới. Thông qua mỗi vụ án, cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay khiếm khuyết của pháp luật để chủ động tham mưu với Ðảng, Nhà nước và kiến nghị các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu. 

Mở rộng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực tư pháp. Chủ động và tích cực tham gia các cơ chế đa phương về tư pháp mà nước ta là thành viên. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI và Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII). Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức…

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã trao quyết định bổ nhiệm 80 Thẩm phán cao cấp.

Nguyễn Hương
.
.
.