Quyết sách, chủ trương của Đảng củng cố lòng tin với kiều bào

Chủ Nhật, 31/01/2021, 08:20
Hòa chung tình cảm, niềm vui của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong nước hướng về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài cũng bày tỏ sự tin tưởng vào thành công của Đại hội và kỳ vọng Đại hội đề ra được nhiều quyết sách đúng đắn, lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, lãnh đạo đất nước, đưa Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới. 


Nhiều chính sách phù hợp lòng dân

Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Việt-Đức (VEGEA) thường trực tại CHLB Đức, hiện đang sống tại thành phố Hamburg cho biết, gần một tuần nay, ông cùng các bạn đồng hương khác đang dõi theo từng diễn biến của Đại hội Đảng lần thứ XIII. 

“Đây không chỉ là ngày hội non sôngcủa cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong nước mà còn là niềm tự hào và mối quan tâm của kiều bào ở nước ngoài. Chúng tôi háo hức hướng tới Đại hội với nhiều kỳ vọngvà tin rằng, sự kiện trọng đại này mở ra thời đại mới của dân tộc với tinh thần "Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển", ông Nguyễn Văn Tính chia sẻ và cho biết, ông thực sự ấn tượng khi thấy công tác chuẩn bị công phu cho Đại hội, từ văn kiện đến nhân sự. 
Ông Nguyễn Văn Tính (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng các đồng hương trong một cuộc gặp mặt nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc.

“Tất cả đều bài bản, sát thực tế và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Tôi rất tán đồng với các quyết sách, chủ trương toàn diện, hợp lòng dân như đẩy mạnh cải cách thể chế, chính sách, nâng cao năng lực hệ thống hành chính, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường hợp tác và giao lưu quốc tế, hướng tới nền kinh tế số với chìa khóa là khoa học công nghệ, đồng thời bảo đảm xã hội công bằng, không để ai bị bỏ lại phía sau… Những điều đó đã củng cố niềm tin của tôi vào nhiệm kỳ mới của Đảng và những thành công trong việc thực hiện các chính sách này. 

Với tư cách là một Việt kiều gắn bó và tham gia tích cực vào các hoạt động ở Đức và cả trong nước, tôi thấy những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài, của kiều bào góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Tôi mong rằng trong các quyết sách sắp tới của Đảng và Nhà nước, công tác kiều bào sẽ được đẩy mạnh một cách toàn diện và hiệu quả hơn,để con dân đất Việt như chúng tôi có thêm cơ hội được vinh dự và tự hào góp sức, chung tay cho một Việt Nam hùng cường”, ông Nguyễn Văn Tính nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, giảng viên cao cấp Đại học quốc gia St. Petersburg (Nga) cũng bày tỏ mong muốn Đảng và Nhà nước có thêm nhiều chính sách phù hợp, tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng kiều bào ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh. Là người luôn theo dõi tình hình đời sống, chính trị Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh thấy rất tự hào về những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2020 như nền kinh tế ổn định, đạt tăng trưởng gần 3%, đảm bảo an ninh xã hội, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và đang bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19. Theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, những thành công của Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng sau những năm đổi mới đã nâng tầm uy tín quốc gia, giúp Việt Nam ngày càng đóng vai trò và có vị thế ngày càng quan trọng không chỉ ở Đông Nam Á, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà cả trên thế giới.

Còn doanh nhân Nguyễn Cẩm Nhung, Giám Đốc Công ty Global Empire LLC (Mỹ) nói: “Cũng như rất nhiều người con đất Việt xa xứ, chúng tôi luôn đau đáu hướng về quê cha đất tổ, mong muốn một ngày Việt Nam sẽ sánh ngang các cường quốc năm châu, thành “con rồngchâu Á” vươn mình ra thế giới. Tôi tin trong kỳ Đại hội Đảng lần này, các nhà lãnh đạo đưa ra thêm nhiều chính sách phù hợp lòng dân và phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế; trong đó, có các chính sách thu hút đầu tư của kiều bào và bạn bè quốc tế đến Việt Nam. Vấn đề bây giờ là làm sao thực hiện sớm, nhanh các chính sách này để ngày càng phù hợp với sự phát triển của đất nước, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư quốc tế, trong các lĩnh vực như khoa học công nghệ cao, giáo dục chất lượng cao, đào tạo đầu tư tài chính, kêu gọi hợp tác chất xám quốc tế… nhằm góp phần vào việc phát triển nền kinh tế, xã hội của Việt Nam một cách sâu rộng và vững mạnh trong tương lại. Bên cạnh đó là thu hút đầu tư trong lĩnh vực giao thông để mở thêm nhiều tuyến cao tốc, nhiều làn xe để đảm bảo nhu cầu thông thương, an toàn giao thông của người dân và nền kinh tế hiện đại…”
Doanh nhân Nguyễn Cẩm Nhung

Đội ngũ lãnh đạo có tâm và có tầm

Trong khi đó, TS Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc (VKBIA), nhận định, tại Đại hội XIII, việc chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cao nhất, nhân sự Ban chấp hành Trung ương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội. Các văn kiện Đại hội XIII lần này không chỉ kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020); đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Mặt khác, việc xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 đều mang ý nghĩa và tầm quan trọng cho dân tộc, đất nước, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc Đổi Mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. 

“Tôi tin Đại hội lần này đã lựa chọn được những người xứng đáng, có tâm, có tầm để phục vụ nhân dân, đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức trong những năm tới. Chúng tôi, những người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc cũng như kiều bào Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới sẽ luôn cùng đồng bào ở trong nước, chung tay cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xây dựng và phát triển Việt Nam ngày càng vững mạnh”, TS. Trần Hải Linh khẳng định. 

TS Trần Hải Linh 

Cũng theo quan điểm của TS Trần Hải Linh, tăng cường nội lực và tư duy bứt phá là yếu tố mang lại thắng lợi cho Việt Nam: “Những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại để lắng nghe tiếng nói của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người xa quê có điều kiện trở về, đóng góp công sức dựng xây đất nước. 

Đặc biệt, không khí dân chủ trong Đảng đã được phát huy hiệu quả thông qua việc đưa dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để góp ý xây dựng văn kiện Đại hội. Từ thành tựu đất nước đã đạt được, đặc biệt việc kiểm soát thành công dịch COVID-19 là cơ hội để Việt Nam tự nhìn nhận lại, điều chỉnh chiến lược phát triển, tăng cường nội lực và tư duy bứt phá. Từ việc xác định rõ vị thế đất nước, Việt Nam sẽ tập trung tìm kiếm những thế mạnh và mũi nhọn cho sự phát triển thời gian tới, trong đó chú trọng phục hồi và phát triển những ngành ứng dụng khoa học-công nghệ cao, mang lại thu nhập và giá trị thặng dư về kinh tế; đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng thích ứng…”. 

Chia sẻ thêm về vấn đề này, anh Danny Võ Thành Đăng (kiều bào tại Singapore) khẳng định niềm tin vào thế hệ lãnh đạo Việt Nam luôn: tiên phong trong hành động; tử tế trong đối nhân xử thế; thấu cảm với nhân dân; tỉnh thức trong công việc; tích cực giao tiếp với tinh thần lạc quan và tiệm cận với xu thế toàn cầu trong giai đoạn bình thường mới.

Từ câu chuyện về đội ngũ lãnh đạo có tâm và có tầm, nói rộng ra về việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, TS Nguyễn Thị Bích Yến, nhà báo thường trú Báo Văn nghệ tại Áo, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc tại Vienna, chuyên gia nghiên cứu chiến lược truyền thông văn hoá và chính trị tại châu Âu phân tích: “Việc nêu vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng caolà việc làm “một mũi tên trúng hai đích", một mặt, có được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các doanh nghiệp trong nước, mặt khác, phục vụ cho việc xuất khẩu lao động ở cấp độ liên quốc gia và khu vực. Vấn đề then chốt bây giờ là Việt Nam cần phải thực hiện nhanh chủ trương này, thúc đẩy cải tiến nội dung và hình thức đào tạo. 
Nhà báo Lê Thị Bích Yến

Nhìn lại lịch sử phát triển của dân tộc chúng ta và của nhân loại thì nhận thấy một điểm cốt tử, đó là, sự trường tồn của dân tộc ta và các dân tộc trên thế giới phần lớn phụ thuộc vào những vị Minh Quân, những vị anh hùng hào kiệt và đặc biệt là phụ thuộc vào ý chí và khát vọng dân tộc của toàn thể dân chúng. Khát vọng đó đã tạo ra cốt cách và phẩm hạnh của người Việt, giúp cho ông cha chúng ta chiến thắng mọi nghịch cảnh, giữ cho dân tộc Việt phát triển như ngày nay. Vì thế, cá nhân tôi vẫn tin rằng, trong quy trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc giáo dục tinh thần khát vọng dân tộc là điều cốt tử”.

Còn GS Lương Đình Dũng đang giảng dạy tại Đại học New York cho rằng những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm vừa qua đã tạo một nền móng vững chắc nhưng để tiếp tục phát triển trên cái nền đó, cần phải xây dựng mạnh hơnđội ngũ cán bộ đảng viên, đóng vai trò đầu tàu gương mẫu. 

“Lãnh đạo Việt Nam ở tất cả các cấp chính là những người thợ giỏi để xây dựng thành công ngôi nhà chung Việt Nam tiếp tục phát triển trong tương lai. Việt Nam đã thu hút rất thành công tất cả các nguồn lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong tương lai nguồn vốn quý nhất chính là chất xám của đội ngũ trí thức người Việt đang sống và làm việc ở trong nước cũng như nước ngoài. Tôi rất kỳ vọng Đại hội Đảng lần này sẽ đề ra được các quyết sách hay định hướng cụ thể hơn nữa cho việc tận dụng nguồn lực đáng quý đó”, GS Lương Đình Dũng nói.


Huyền Chi
.
.
.