"Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống"

Quyền tự do kinh doanh

Thứ Hai, 25/08/2014, 09:24
Ngày 20/8 tại Hà Nội, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp đã tổ chức tọa đàm về quyền tự do kinh doanh, các quy định liên quan đến doanh nghiệp được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Tại đây, các đại biểu gồm: Thành viên Ban soạn thảo Hiến pháp, luật sư, doanh nghiệp… đã thảo luận sôi nổi để chỉ ra rõ, quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp và pháp luật quy định như thế nào.

Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế doanh nhân mở đầu buổi toạ đàm bằng bài tham luận về các quy định về quyền tự do kinh doanh và doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp và pháp luật. Ông nêu rõ, trong quá trình phát triển kinh tế, ở từng giai đoạn cách mạng, các vấn đề quyền tự do kinh doanh, về doanh nghiệp, doanh nhân được nhìn nhận ở các góc độ khác nhau và được thay đổi bằng các quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Điều 57 Hiến pháp 1992 quy định, “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định pháp luật”. Điều 33, Hiến pháp 2013 quy định rõ ràng, hoàn chỉnh hơn: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng thảo luận về quy chuẩn của “những ngành nghề pháp luật không cấm”. Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Luật Doanh nghiệp 2005 sửa đổi, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, sau khi được Quốc hội thông qua, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt danh mục các ngành nghề không được kinh doanh.

Tiến sỹ, luật sư Nguyễn Đình Lục, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng TW Đảng cho rằng, quyền tự do kinh doanh của công dân là một quyền hiến định, ngày càng được xác định rõ ràng, đầy đủ và thực sự trở thành cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để công dân được hưởng đầy đủ một trong những quyền hết sức cơ bản của công dân - quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, do điều kiện nước ta phải trải qua nhiều biến cố lịch sử khác nhau ở nhiều giai đoạn, do đó tự do kinh doanh cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể. Nhận rõ ý nghĩa quan trọng của việc bảo đảm sự bình đẳng của công dân trong quá trình phát triển kinh tế và nhìn nhận nó như một giải pháp có ý nghĩa đặc biệt trong việc tạo ra nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước nên ngay từ bản Hiến pháp 1946 đã xác định: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm” (Điều 12). Với quy định này, quyền tư hữu về tài sản từ tất cả các nguồn, kể cả tài sản do kinh doanh mà có được Nhà nước bảo đảm. Cụ thể hơn, Điều 6 của bản Hiến pháp này quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: Chính trị, kinh tế, văn hoá”. Với quy định này, không có cách hiểu nào khác đó là quyền bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong xã hội.

Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Lục, Hiến pháp 1959, 1980 ra đời ở những thời điểm bản lề của lịch sử chuyển giai đoạn nên quyền về kinh tế nói chung và quyền tự do kinh doanh của công dân nói riêng được giới hạn trong một phạm vi nhất định. Hiến pháp 1992 đã phản ánh đúng quy luật phát triển kinh tế xã hội, quyền bình đẳng giữa các thành phần kinh tế được biểu hiện cụ thể của quyền tự do kinh doanh. Điều 15, Hiến pháp 1992 xác định: “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng riêng”. Từ chỗ chỉ chú trọng hai thành phần kinh tế quốc dân và kinh tế tập thể, nay Nhà nước đã thừa nhận và giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế. Quyền tự do kinh doanh của công dân trong bản Hiến pháp này được cụ thể hoá trong Luật Doanh nghiệp 1999, 2005, bảo đảm cho mọi công dân được hưởng thực quyền của mình trong lĩnh vực kinh tế.

Kể từ khi ban hành Hiến pháp 1992 đến nay, với sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra đòi hỏi phải được điều chỉnh, bổ sung, nhằm bảo đảm các quyền về kinh tế, trong đó có quyền tự do kinh doanh của công dân. Hiến pháp 2013 trên cơ sở đó quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm” (Điều 33). Đáng chú ý là, tại Khoản 1 và 2, Điều 51 quy định: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”, “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hoá”.

Quyền tự do kinh doanh đã được các đại biểu tham dự buổi toạ đàm, trong đó có các luật sư, đại diện doanh nghiệp và đặc biệt là PGS.TS Đinh Xuân Thảo, thành viên Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp 2013, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm rõ thông qua các bài tham luận và trao đổi trực tiếp. Từ đó, làm nổi bật lên vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội thời kỳ đổi mới

Cao Hồng
.
.
.