Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”:

Quy định cụ thể trách nhiệm của công dân, tổ chức đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh

Chủ Nhật, 24/02/2013, 18:45
Theo Đại tá, PGS.TS Phí Đức Tuấn, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an cần quy định cụ thể trong Hiến pháp trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, tổ chức, cơ quan đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh.

Tiếp tục lấy ý kiến đóng góp vào “Dự thảo sửa đổi  Hiến pháp năm 1992” về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng và an ninh, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Đại tá, PGS.TS Phí Đức Tuấn, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an về vấn đề này. Đồng chí Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân góp ý:

Trước hết phải khẳng định rằng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh (nói riêng), đối với đất nước (nói chung) trong Hiến pháp là vấn đề có tính nguyên tắc trong quản lý, điều hành của bất cứ quốc gia nào theo chế độ lập hiến. Đối với nước ta, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh là một tất yếu khách quan.

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua đã khẳng định quan điểm có tính nguyên tắc: “Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”. 

Thực tế chỉ ra rằng, từ khi Đảng ta ra đời cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chưa bao giờ các thế lực thù địch từ bỏ âm mưu, hoạt động nhằm gạt bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới lật đổ chính quyền. Quy định vai trò lãnh đạo của Đảng (nói chung) với sự nghiệp quốc phòng, an ninh (nói riêng) trong Hiến pháp là cơ sở pháp lý không chỉ đảm bảo quyền lãnh đạo của Đảng mà còn để trừng trị những cá nhân, tổ chức có âm mưu đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 1992, xóa bỏ chế độ Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Với thực tế trên, việc quán triệt quan điểm của Đảng về tăng cường vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cần xác định những nội dung định hướng cơ bản sau:

Một là, kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh và đối với lực lượng vũ trang nhân dân. Cần tiếp tục thể chế hóa, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc cơ chế, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh cũng như đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

Hai là, để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng một cách tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, Hiến pháp sửa đổi ngoài giữ Điều 4 Hiến pháp năm 1992 cần khẳng định: “Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước”.

Ba là, cần quy định cụ thể trong Hiến pháp trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, tổ chức, cơ quan đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Quan điểm nhất quán của Đảng ta là: “Bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và Nhà nước trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Chính vì vậy trong Hiến pháp sửa đổi, bổ sung cần xác định trách nhiệm của công dân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong việc tham gia bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh cũng như thể chế hóa việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân.

Bốn là, cần bổ sung Điều 48 của Hiến pháp năm 1992 nội dung tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh và tiềm lực; sớm trang bị hiện đại cho các lực lượng Hải quân, Phòng không, An ninh, Tình báo, Cảnh sát cơ động… bảo đảm xây dựng hai lực lượng nòng cốt là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo tinh thần Nghị quyết XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm là, Hiến pháp sửa đổi, bổ sung cần khẳng định nội dung: Nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm gắn kết chặt chẽ hiệu quả giữa tăng cường quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quan điểm này cần được quán triệt trong Hiến pháp sửa đổi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng bổ sung vào các chương, điều những nội dung như: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, phương án, chiến lược về quốc phòng, an ninh; xây dựng tổ chức bộ máy theo hướng tập trung thống nhất và đào tạo nguồn lực cho sự nghiệp quốc phòng, an ninh…

Hưng Nguyễn (ghi)
.
.
.