Quán triệt sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mạng trong xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa lực lượng Công an với nhân dân

Thứ Tư, 22/05/2013, 22:41
Trong mối quan hệ với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”. Theo Người, “Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự, an ninh cho nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước nói chung và đối với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an cách mạng nói riêng. Việc tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quán triệt tư tưởng của Người về tư cách người Công an cách mạng vào công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với các cấp ủy Đảng, đơn vị trong toàn lực lượng Công an nhân dân (CAND).

Trong thư gửi đồng chí Giám đốc Công an Khu XII ngày 11/3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 điều dạy về "Tư cách người Công an cách mệnh". Sáu điều dạy của Bác đã trở thành di sản tinh thần vô cùng quý báu của lực lượng CAND, là cẩm nang, chuẩn mực đạo đức, tư cách, là mục tiêu rèn luyện, phấn đấu, công tác của mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) CAND.

Trong mối quan hệ với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”. Theo Người, “Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự, an ninh cho nhân dân”. Công an “là một bộ phận của cả bộ máy Nhà nước nhân dân dân chủ chuyên chính tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an phải bảo vệ dân chủ nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ nhân dân”. Người còn luôn nhắc nhở công an “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì dù tài tình mấy cũng không làm gì được”. Và Người khẳng định: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn. Dân ta rất tốt. Gặp trường hợp nguy hiểm, nếu công an khéo léo thì được dân giúp ngay. Khéo ở đây không phải là cái lối khéo bề ngoài, mà khéo có nghĩa là phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân”. Để đạt được điều đó, công an “phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”, “phải đi đường lối quần chúng”, “phải làm sao cho dân yêu mến, phải nhớ rằng dân là chủ, dân như nước mình như cá, lực lượng bao nhiêu là ở dân hết. Phải làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc, chớ vác mặt quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”. Công an phải gần dân, kính trọng và lễ phép với nhân dân.

Thấm nhuần lời dạy của Người, lực lượng CAND đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, trưởng thành và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, tuyệt đối trung thành với Ðảng, với Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 CANDVT đạt nhiều thành tích trong công tác bảo vệ.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, sự nghiệp cách mạng nước ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau”, trong đó, lực lượng CAND cũng không ngoại lệ. Trong lực lượng CAND vẫn có hiện tượng quan liêu, hách dịch, sách nhiễu người dân, thường được phản ánh ở một số lĩnh vực mà CBCS công an thường xuyên tiếp xúc với người dân, dễ xảy ra tiêu cực… Những tiêu cực đó đã và đang làm giảm lòng tin, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và mối quan hệ giữa lực lượng công an với quần chúng nhân dân.

Do đó, việc nghiên cứu, quán triệt 6 điều Bác Hồ dạy để làm sâu sắc hơn, xây dựng mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa lực lượng CAND với quần chúng nhân dân là một yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Để làm tốt nhiệm vụ này, thời gian tới, lực lượng CAND cần chú ý thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức cách mạng, chú ý hướng vào mục tiêu giáo dục ý thức vì nhân dân phục vụ cho CBCS.

Xác định giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng cho CBCS là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng lực lượng CAND thời kỳ đổi mới. Mục đích, yêu cầu của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tập trung vào việc bồi dưỡng, tăng cường bản lĩnh chính trị, xây dựng lòng tin vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và lợi ích của nhân dân, tận hiếu với nhân dân. Do vậy, nội dung giáo dục cần tập trung vào việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, trau dồi đạo đức cách mạng cho CBCS CAND. Trong đó cần thường xuyên chú ý xây dựng, bồi dưỡng và củng cố phương châm, lẽ sống đúng đắn cho mỗi CBCS; xây dựng ý thức phục vụ nhân dân, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản, cuộc sống bình yên của nhân dân.

Giáo dục chính trị, tư tưởng trong CAND cần phát động và tổ chức thực hiện tốt các phong trào cách mạng. Đặc biệt là triển khai sâu rộng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" gắn với phong trào "CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy", Cuộc vận động "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ", các phong trào thi đua "Vì An ninh Tổ quốc", xây dựng lực lượng CAND cách mạng, trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Trong chỉ đạo, cần từng bước đưa phong trào đi vào chiều sâu, chuyển trọng tâm chỉ đạo từ học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức sang thực hiện, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Hai là, mỗi CBCS CAND cần phải xây dựng, rèn luyện tác phong quần chúng, dân chủ.

Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới phong cách làm việc của lực lượng CAND, trước hết là tác phong quần chúng. Bác luôn nhắc nhở công an phải làm sao cho dân yêu mến, muốn vậy, CBCS công an phải “vào sâu trong quần chúng”, phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, chịu khó giúp dân trong mọi việc; đồng thời qua đó biết được dân đang suy nghĩ gì, cần cái gì, lo cái gì, muốn cái gì…, trên cơ sở đó mới “tìm mọi cách” để “thực hành những công việc nên làm, những công việc do Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. Làm được như thế thì mới được dân tin, dân phục, dân yêu, dân ủng hộ, dân giúp đỡ, “đi dân nhớ, ở dân thương”.

Theo Hồ Chí Minh, tác phong quần chúng là phải thực hiện “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” bám sát thực tiễn. Bác đòi hỏi CAND phải kết hợp “óc nghĩ” với “mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, nghĩa là phải thâm nhập thực tế, chịu khó quan sát, nghe ngóng để biết tình hình.

Tác phong quần chúng còn biểu hiện ở việc “gương mẫu trong lời nói, việc làm, thái độ sao cho người ta thấy rõ mình” là người công an cách mạng. Người chỉ rõ: “Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là con người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt”. Bên cạnh đó, cần xây dựng phong cách ứng xử có văn hóa của người CBCS công an, chấp hành nghiêm điều lệnh CAND, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, trách nhiệm trong công tác.

Ba là, xây dựng cơ chế phát huy vai trò tích cực và quyền làm chủ của quần chúng trên lĩnh vực ANTT.

Kính trọng, lễ phép đối với nhân dân không chỉ dừng lại ở lòng tôn trọng, gần gũi, bảo vệ, chăm lo sự bình yên của nhân dân mà cần xây dựng cơ chế phát huy vai trò tích cực, quyền làm chủ của nhân dân trên lĩnh vực ANTT. Để đạt được điều đó, cần phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; đề cao vai trò giám sát, góp ý của nhân dân trong xây dựng lực lượng CAND; đồng thời tạo các điều kiện để khuyến khích nhân dân tham gia góp ý kiến, phê bình, xây dựng lực lượng CAND; xây dựng các cơ chế trong công tác để tiếp nhận, xử lý những thông tin phản ánh sự giám sát của nhân dân.

Phát huy vai trò giám sát của nhân dân là một kênh thông tin quan trọng, là con đường để nhân dân tham gia quản lý nhà nước, phòng, chống quan liêu, tham nhũng. Sự giám sát đó cần được thực hiện dưới nhiều hình thức… Các ý kiến thể hiện sự giám sát của nhân dân cần phải được cơ quan, CBCS  công an tiếp nhận, trân trọng và giải quyết kịp thời, thỏa đáng, tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân để khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót; khen thưởng, động viên kịp thời.

Bốn là, kiên quyết phê phán, đấu tranh với các biểu hiện quan liêu, hách dịch, sách nhiễu người dân của CBCS, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Làm công an không phải làm “quan cách mạng”, “phải khiêm tốn, nghiêm chỉnh”, “chớ tự kiêu, tự mãn”. Bảo vệ ANTT là một lĩnh vực đặc thù, nên lực lượng CAND được Nhà nước trao cho một số quyền uy riêng biệt. Nếu CBCS công an không thấm nhuần đạo đức cách mạng, không rèn luyện quan điểm, tác phong quần chúng thì rất dễ xảy ra hiện tượng hách dịch, quan cách, sách nhiễu người dân, tham nhũng, tiêu cực… Bác căn dặn, CAND trong thực hiện nhiệm vụ “Phải triệt để sửa đổi tác phong mệnh lệnh, quan liêu, hống hách; phải gây quan hệ thật tốt giữa công an và nhân dân”.

Để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với hiện tượng quan liêu, hách dịch, sách nhiễu nhân dân, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kỷ luật; tăng cường thực hiện nghiêm điều lệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng nhanh, gọn để phục vụ nhân dân được tốt hơn, đồng thời cũng góp phần hạn chế, loại trừ các hiện tượng tiêu cực của CBCS trong khi làm nhiệm vụ.

Học tập, quán triệt 6 điều Bác Hồ dạy CAND, xây dựng mối liên hệ mật thiết giữa lực lượng công an với quần chúng nhân dân là một yêu cầu quan trọng cần phải được nhận thức đúng đắn và thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, góp phần xây dựng lực lượng “Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu”

N.V.N.
.
.
.