Quán triệt quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Chương IV Hiến pháp năm 1992

Thứ Ba, 15/01/2013, 20:51
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Bảo vệ Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Vì thế, Hiến pháp năm 1946 đã xác định: nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”; công dân có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ đi lính.

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Nhà nước ta vẫn coi bảo vệ Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Hiến pháp năm 1959 quy định “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhất của công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tổ quốc”. Khi đất nước đã được độc lập, thống nhất, bảo vệ Tổ quốc vẫn là một trong những nhiệm vụ chiến lược; Hiến pháp năm 1980 coi bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.

Trong những năm gần đây, vấn đề bảo vệ Tổ quốc luôn là một trong 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, Hiến pháp năm 1992 đã giành một chương riêng (Chương IV) để quy định về bảo vệ Tổ quốc. Qua gần 20 năm thực hiện, đất nước ta đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân. Tuy nhiên, trước đòi hỏi khách quan của tình hình mới, các quy định của Hiến pháp năm 1992 về bảo vệ Tổ quốc cần phải được nghiên cứu hoàn thiện để khắc phục những khó khăn, bất cập. Qua đọc, nghiên cứu các quy định trong dự thảo Hiến pháp (sửa đổi năm 2013), chúng tôi xin kiến nghị sửa đổi, bổ sung các điều trong Chương IV (Bảo vệ Tổ quốc) như sau:

Trong tình hình các thế lực thù địch đang tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt nam, tìm cách loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, Hiến pháp cần tiếp tục ghi nhận nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, bên cạnh việc giữ Điều 4 Hiến pháp năm 1992, cần khẳng định: “Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước. Quy định như vậy là thể chế hóa nội dung “Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh” đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011).

Về Điều 69 (sửa đổi, bổ sung Điều 44): Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận ANND vững chắc. Phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân và lý luận, khoa học ANND. Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh”.

Theo đó, cần bổ sung những nội dung mới đã được ghi nhận trong Cương lĩnh vào Điều 69, cụ thể như sau: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là sự nghiệp của toàn dân.  Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”. Cùng đó, cần bổ sung quy định về hợp tác quốc tế trong bảo vệ Tổ quốc theo hướng: Nhà nước tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng cho đầy đủ, toàn diện.

Về Điều 73 (sửa đổi, bổ sung Điều 48): Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định “Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh đảm bảo cho các lực lượng vũ trang được trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại”; kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế. Vì thế, để tăng cường khả năng giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về “xây dựng nền công nghiệp an ninh” và bổ sung mối quan hệ giữa kinh tế với an ninh vào Điều 73, cụ thể như sau: “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; thực hiện nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương Quân đội, Công an, xây dựng công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sĩ, công nhân, nhân viên quốc phòng, Công an, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước”

L.V.T.
.
.
.