Quản lý xe công tập trung, tiết kiệm tiền tỷ

Thứ Tư, 04/12/2019, 07:23
Sau hơn một năm thực hiện Đề án quản lý xe công tập trung (gọi tắt là đề án), tỉnh Cà Mau đã tiết kiệm ngân sách gần 20 tỷ đồng. Việc chuyển đổi phương thức quản lý xe công đã góp phần tiết kiệm ngân sách, ngăn chặn tình trạng sử dụng xe không đúng mục đích, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng của cán bộ theo đúng quy định.


Ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính Cà Mau, cho biết, sau hơn 1 năm thí điểm, sắp xếp, vận hành đến nay, Đề án đã đem lại sự hài lòng cho các đơn vị sử dụng; đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ công tác trong các cơ quan, ban ngành, đơn vị trên địa bàn.

Đề án góp phần hoàn thiện công tác quản lý tài sản công, tiết kiệm cho ngân sách tỉnh”. Cụ thể, từ 206 xe công, 109 tài xế trên toàn tỉnh phục vụ ở tất cả các sở, ban, ngành tỉnh, mỗi năm ngân sách Cà Mau phải chi gần 200 triệu đồng/xe, tương đương trên 40 tỷ đồng cho chi phí sử dụng xe dùng chung và xe chuyên dùng, kể cả tiền lương cho lái xe.

Đề án quản lý xe công tập trung tỉnh Cà Mau giúp tiết kiệm ngân sách gần 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, phải bố trí nguồn kinh phí gần 7 tỷ đồng để mua sắm thay thế các xe xuống cấp, hư hỏng. Trong khi đó, công suất sử dụng xe ở các đơn vị hầu như rất hạn chế, gây lãng phí. Chỉ sau hơn năm sắp xếp xe công theo hướng tập trung đã đem đến những hiệu quả bất ngờ. Sự vận hành đồng bộ cả hệ thống đã mở ra hướng đi cho đề án. Tài sản công được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

Quản lý tập trung, chuyên nghiệp thay cho bộ máy cồng kềnh trước đây. Giảm số lượng người làm việc, giảm quản lý, vận hành tại các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, khai thác triệt để số lượng xe công hiện có nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả. Sau khi thực hiện mô hình này, mỗi năm Cà Mau tiết kiệm ngân sách trên 17 tỷ đồng.

Theo ông Khởi, bước đầu sắp xếp cũng gặp khó khăn, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự ủng hộ, đồng tình từ các sở, ngành tỉnh nên đề án được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Trung tâm đã lựa chọn 65 xe đưa vào phục vụ, dự phòng 14 xe, điều chuyển 11 xe với đủ các loại từ 4 đến 36 chỗ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các đơn vị, phù hợp với số lượng người đi công tác, tránh lãng phí ngân sách.

Từ khi triển khai đề án đến nay có tổng số trên 7.008 lượt đăng ký sử dụng xe ôtô công. Ngày nhiều nhất có 57 lượt, ngày thấp nhất có 10 lượt đăng ký (không tính ngày nghỉ), có nhiều chuyến đi dài ngày, cao nhất là 12 ngày và nhiều chuyến đi công tác xa như các tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, Đắk Lắk, Phú Yên, Vũng Tàu...

Đề án có đủ loại xe từ 4 chỗ, 7 chỗ, 10 chỗ, 12 chỗ, 16 chỗ, 25 chỗ, 29 chỗ, 36 chỗ luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các đơn vị, việc sử dụng xe phù hợp với số lượng người đi công tác. Tránh được tình trạng trước đây đơn vị chỉ có 1 xe 7 chỗ khi đi 10 người không đủ chỗ phải thuê dịch vụ bên ngoài, còn khi đi 1 người dùng xe 7 chỗ thì dư, gây lãng phí nhiên liệu…

Ông Bùi Việt Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ tài chính công tỉnh Cà Mau cho biết, trên cơ sở số xe ôtô hiện có, trung tâm sẽ phân thành 4 tổ với 65 lái xe, chia lịch trực hàng tuần kể cả ngày cuối tuần và trực ban đêm.

Khi nhận được thông báo từ cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng xe qua số điện thoại trực, trung tâm sẽ điều xe tới điểm hẹn trong thời gian tối đa là 20 phút (ngày làm việc) và 40 phút (ngày nghỉ). Quá trình điều xe phải có lệnh điều xe, cấp giấy công lệnh cho tài xế, giấy sử dụng xe với rất nhiều thông tin liên quan.

“Khi về đến nơi, thủ trưởng hoặc người đi trên xe có phiếu ký xác nhận số quãng đường đã đi gửi lại cho tài xế. Sau đó, tài xế nộp lại phiếu này cho trung tâm để thanh toán công tác phí, xăng dầu. Việc tiếp theo là kế toán của trung tâm sẽ tổng hợp, chuyển phiếu báo đến đơn vị sử dụng xe. Sau 10 ngày, đơn vị sử dụng xe phải chuyển tiền vào tài khoản Kho bạc Nhà nước của đơn vị quản lý xe. Sau đó Kho bạc mới chi ra theo kế hoạch”, ông Khanh chia sẻ.

Hiện, Sở Tài chính đang xin chủ trương của UBND tỉnh về việc sử dụng phần mềm vào quản lý xe ôtô công tập trung. Cụ thể, khi đơn vị muốn sử dụng xe đi công tác, có thể thao tác trên phần mềm, truy cập qua máy chủ của trung tâm.

Từ đó, trung tâm chuyển lại thông tin qua Zalo được cài đặt trên điện thoại di động của các tài xế. Khi thanh toán, trung tâm sẽ chuyển mã số qua từng đơn vị sử dụng. Căn cứ vào mã số, đơn vị sử dụng xe sẽ chuyển tiền qua Kho bạc Nhà nước và Kho bạc sẽ thanh toán lại với trung tâm, giúp tiết kiệm thời gian. 

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá cao các sở, ban, ngành của tỉnh đã đồng tình, thực hiện tốt đề án này. Đối với các vướng mắc của đề án, ông Bi cho biết, sẽ xem xét việc giao xe lại cho các đơn vị đặc thù.

Đồng thời, Sở Tài chính cần thanh lý xe cũ để giảm lượng xe theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh số xe còn lại cần nâng cấp, sửa chữa hoặc mua bổ sung thay thế để đảm bảo hoạt động.

 “Theo đó, xây dựng phương án hoạt động nâng cao hiệu quả, tiết kiệm ngân sách nhiều hơn nữa. Đặc biệt, nghiên cứu áp dụng mô hình này đối với nhiều lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh trong việc quản lý cơ sở vật chất, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm ngân sách tỉnh”, ông Lâm Văn Bi nhấn mạnh.

Đức Văn
.
.
.