Quản lý chặt người có hành vi lệch lạc về tình dục, bạo lực như thế nào?

Thứ Hai, 27/04/2020, 12:26
Sáng 27/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” theo Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội.


Chính quyền cơ sở, nhà trường chưa làm hết trách nhiệm

 Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trẻ em bị cưỡng bức lao động rất đáng chú ý vì theo số liệu của Đoàn Giám sát thì đây là số liệu lớn nhất. Tiếp đó là đến xâm hại tình dục trẻ em và  bạo lực đối với trẻ em “Khi phát hiện xử lý kịp thời là đúng rồi, nhưng quan trọng là bảo vệ trẻ em để tình trạng xâm hại không xảy ra nữa. Có những vụ trẻ em bị bạo lực, kêu khóc hàng ngày mà chính quyền không biết, nhà trường không biết…Chính vì vậy, phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, số liệu của Đoàn giám sát cho thấy vấn đề rất lớn, đáng quan tâm nên báo cáo cần phân tích kỹ hơn. Cùng với đó phải đánh giá thêm về công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng, nhất là vai trò chính quyền cơ sở. “Thực tế nhiều vụ việc chỉ được phát hiện xử lý khi báo chí phản ánh, khi có hậu quả xảy ra hay tố cáo. Khi đó chính quyền, cơ quan chức năng mới biết. Báo cáo cần kiến nghị rõ hơn về trách nhiệm” – ông Đỗ Bá Tỵ nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thì số liệu phản ánh về tình trạng gia tăng xâm hại trẻ em chưa đúng với thực tế vì xâm hại trẻ em có từ lâu nhưng gần đây, do nhận thức của xã hội tăng lên nên việc phát hiện, xử lý tình trạng xâm hại trẻ em tăng lên. Nói về trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh “hiện có vấn đề là chưa chỉ rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra xâm hại trẻ em. Việc xâm hại xảy ra mọi chỗ, mọi thời gian nhưng chúng ta mới đang đi quản lý ban ngày nhưng việc xảy ra ban đêm, trong bóng tối. Ví dụ 1 đối tượng bảo vệ xâm hại 2-3 trẻ em ngay tại nhà trường nhưng trách nhiệm của hiệu trưởng đến đâu chưa xử lý”.

Dẫn số liệu trung bình một ngày có 7 trẻ em bị xâm hại; trong một năm có đến 38 trẻ bị giết, 133 trẻ bị thương tích, 84 trẻ mang thai..., Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý đây là số liệu đáng báo động và nói lên nhiều điều. Do đó, báo cáo cần phân tích đầy đủ hơn các nguyên nhân, trách nhiệm quản lý nhà nước, mối quan hệ với tỷ lệ ly hôn, ảnh hưởng của môi trường mạng xã hội, internet... để thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh, qua đó có giải pháp bảo vệ trẻ em.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu

Quản lý chặt người có hành vi lệch lạc về tình dục, bạo lực

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, để giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em, cần phải có sự quản lý nhà nước đối với những người sống lệch về tình dục và bạo lực gia đình. Ông lấy ví dụ về một ngôi sao thể thao thế giới nhưng có sống lệch về tình dục nên nhà nước phải quản lý, đưa đến trường học để giáo dục riêng, đồng thời cách ly nhiều năm để thay đổi hành vi. “Sau khi ngôi sao này đã được giáo dục, chữa bệnh đầy đủ mới được tiếp tục chơi thể thao” – ông Giàu nhấn mạnh đồng thời cho biết, tại cộng đồng dân cư, chúng ta dễ dàng phát hiện những người có biểu hiện lệch lạc về tình dục, bạo lực nhưng  chúng ta chưa có biện pháp để giáo dục, chữa bệnh cũng như quản lý kịp thời. “nhiều lúc xem clip cô giáo đánh trẻ con thấy không chịu nổi. Chính vì vậy, chúng ta cần quản lý nhà nước chặt chẽ hơn” – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại kiến nghị.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu

Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho ràng, hệ thống pháp luật hiện nay của chúng ta đầy đủ nhưng tính răn đe chưa đủ. Trong khi đó, việc quản lý các đối tượng xâm hại trẻ em chưa chặt chẽ. Việc khởi tố, xử lý các vụ xâm hại trẻ em rất khó vì ranh giới đúng sai rất ngắn. Nhiều vụ nghe rất bức xúc nhưng chứng cứ rất khó để xử lý. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung viện dẫn việc xử lý đối với đối tượng Minh béo về hành vi xâm hại trẻ em và cho biết, “Nhiều nước xử lý rất nghiêm, chỉ cần hành vi gọi điện có biểu hiện lạm dụng tình dục là đã bị xử lý nặng rồi. Những người  có biểu hiện xâm hại trẻ em bị giám sát rất chặt chẽ, phải mặc áo khác màu và có thiết bị quản lý, khi tiếp xúc với trẻ em phải có người giám sát. Tôi đề nghị, cũng nên nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn các đối tượng có hành vi này. Kể cả giao cho Chính phủ nghiên cứu Luật phòng chống xâm hại trẻ em” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Một kiến nghị mà nhiều đại biểu đề cập nữa đó là việc quản lý, xử lý nghiêm những người có hành vi sử dụng rượu bia xâm hại trẻ em. Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ sự lo lắng đối với nhóm đối tượng sử dụng rượu bia gây ra xâm phạm tình dục và bạo lực gia đình “Cần phải có chế tài nghiêm như Nghị định 100 xử lý người sử dụng rượu bia tham gia giao thông để xử lý người xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình vì nhiều người bình thường không sao nhưng uống rượu bia là có xu hướng bạo lực”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng một trong những nguyên nhân rất quan trọng xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em là lạm dụng rượu bia, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đề nghị quản lý, xử lý nghiêm nhóm đối tượng này.

Có thể tuyên truyền qua mạng xã hội

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, việc tuyên truyền về phòng ngừa xâm hại trẻ em còn chưa đạt yêu cầu, hiểu biết pháp luật về quyền, nghĩa vụ chăm sóc trẻ em cũng còn nhiều hạn chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, gia đình là tế bào của xã hội, sự phát triển lành mạnh của trẻ em có vai trò rất lớn của người lớn, trong đó có cha mẹ, người thân, nhưng con số người lớn không rõ về luật là điều đáng lo lắng.

“Không biết luật thì làm sao thực hiện đúng luật! Không nắm rõ quy định thì vi phạm luật, thực hiện không đúng là tất yếu” – ông Đỗ Bá Tỵ nói và đề nghị cần có kiến nghị nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là về Luật trẻ em, trong đó, nên có nhiều biện pháp tuyên truyền, kể cả qua mạng xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, thời gian vừa qua, việc tuyên truyền nhiều phòng chống xâm hại trẻ em rộng nhưng mới chủ yếu mới đến người tốt, chứ chưa đến được người xấu. 

Thứ 2 là chưa thẩm thấu được vì luật nói gì, chưa nắm được những quy định cơ bản của Luật. “Trẻ em có bao nhiêu quyền, nhiều cơ quan, đơn vị không nắm được, kể cả người dẫn chương trình về bảo vệ trẻ em cũng không nắm được” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết và đề nghị nên có nhiều hình thức tuyên truyền như dành thời lượng giờ vàng trên truyền hình; tuyên truyền qua mạng xã hội, youtube...là những kênh mà nhiều người tham gia để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận phiên họp cũng khẳng định để giáo dục và phòng ngừa xâm hại trẻ em thì các phương tiện thông tin đại chúng phải dành thời gian hợp lý tuyên truyền, nhất các các biện pháp phòng tránh. “Hướng dẫn các em phòng tránh xâm hại thế nào rất quan trọng nhưng hiện ít chương trình để hướng dẫn kỹ năng cho người được bảo vệ và kể cả người bảo vệ trẻ em. Chính vì vậy, cần đưa ra giải pháp cụ thể, từng vùng, từng nơi để mọi người tiếp cận dễ dàng” – ông Uông Chu Lưu cho biết.

Thu Thuỷ
.
.
.