Quan liêu, tham nhũng, lãng phí là kẻ thù của nhân dân!

Thứ Năm, 18/05/2006, 09:23

Tháng 9/1963, nhân dịp Quốc khánh, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bác  mang đến một hộp bút, Bác nói: “Hôm nay tôi xin tặng các vị, các chú mỗi người một cây bút để làm việc”. Bác đưa tận tay từng Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Mọi người nhìn lên nắp bút thấy ngay hàng chữ khắc: “Bút chống quan liêu. 2/9/63”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định cán bộ là cái gốc của công việc và là tiền vốn của đoàn thể, cho nên trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự... nếu cán bộ, đảng viên gương mẫu làm tốt nhiệm vụ thì nhất định thành công. Thế nhưng, trước tình hình thực tế hiện nay, một số mặt trái của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng đến khá nhiều đảng viên và cán bộ, khiến cho họ thoái hóa, biến chất, mong tìm kiếm địa vị, tiền bạc để hưởng thụ, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Ngày 20/1/1962, trong cuộc họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quan liêu, lãng phí, tham ô làm hại cho dân. Phải hiểu vì dân mà chống tham ô lãng phí. Ai cũng phải chống. Giáo dục không đủ, phải có kỷ luật, có thưởng, có phạt. Phong trào phải làm từ trên xuống, từ dưới lên, dân chủ và phải trường kỳ. Xử lý nên phân biệt động cơ. Đối tượng này là con người mà con người có tổ chức cao nhất là đảng viên. Các đồng chí phụ trách chi bộ phải làm cho đúng, phải làm cho chi bộ vững. Trung ương có hội, có nghị, có quyết mà không hành là do mình không cương quyết. Phải có quyết tâm làm cho tốt”.

Từ khi chúng ta giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tỏ rõ thái độ cương quyết chống lại căn bệnh quan liêu. Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 5/5/1958, Hồ Chủ tịch đọc danh sách các vị thứ trưởng và cán bộ cao cấp mới được bổ nhiệm để họ  tuyên thệ, sau đó mới phát biểu: “Chúng ta, như các vị vừa mới tuyên thệ, phải hết sức phục vụ nhân dân, chí công vô tư, đó là đạo đức cách mạng. Bây giờ, ta có thêm lực lượng mới trong chính phủ thì phải có tác phong và lề lối làm việc mới, tránh quan liêu để công việc không bị bê trễ...”.

Tháng 9/1963, nhân dịp Quốc khánh, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bác  mang đến một hộp bút, Bác nói: “Hôm nay tôi xin tặng các vị, các chú mỗi người một cây bút để làm việc”. Bác đưa tận tay từng Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Mọi người nhìn lên nắp bút thấy ngay hàng chữ khắc: “Bút chống quan liêu. 2/9/63”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, hại đến công việc cải thiện đời sống nhân dân, hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ”.

Trong thư gửi ông Vũ Trọng Khánh, Giám đốc tư pháp Liên khu X tháng 5/1948, Bác viết: “Ai chẳng muốn cơm no áo ấm. Nhưng sinh hoạt vật chất hết đời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, còn truyền đến ngàn đời sau. Chúng ta có tinh thần vững vàng, tin tưởng chắc chắn thì phú quý không dụ dỗ được ta, uy lực không dọa nạt được ta”. Ngày 17/11/1950, tại phiên họp Chính phủ kiểm điểm vụ Trần Dụ Châu - đã phạm tội tham ô, biển thủ công quỹ để ăn chơi trụy lạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ là khuyết điểm. Chúng ta hay nể nả, quan niệm thanh cao tự thú là không đủ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân. Lãng phí có nhiều nguyên nhân, hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức, xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân”.

Năm 1958, Trung ương quyết định dựng nhà cho Bác, nhưng Người chỉ đồng ý với điều kiện làm theo bản vẽ phác thảo kiểu nhà sàn Bác từng ở chiến khu trước kia,  dùng loại gỗ bình thường như nhân dân vẫn sử dụng, với diện tích vừa phải.

Nhìn chung, số đông cán bộ, đảng viên ta đều tận tụy, trong sạch, làm việc để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Tuy nhiên, vẫn còn một số người mang trọng bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí gây ảnh hưởng rất xấu đến xã hội. Trước thực trạng này, chúng ta phải kiên quyết chống lại những tệ nạn ấy và phải làm liên tục, đây là nhiệm vụ cấp thiết, rất  quan trọng, mang lại lợi ích dài lâu và ý nghĩa lớn lao như Bác đã khẳng định: “Làm cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm  để xây dựng nước nhà, để nâng cao đời sống của nhân dân. Nó giúp cho cán bộ và đảng viên ta giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”

Đỗ Hoàng Linh
.
.
.